Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học được nhập chung. Dư luận hồi hộp theo dõi những đổi mới trong chương trình thi cử lần này. Trong tất cả các môn thi, có lẽ môn Ngữ văn là gây nhiều chú ý nhất. Đề thi môn Ngữ văn năm 2015 đã có nhiều yếu tố đổi mới, tuy nhiên cũng tạo ra một số băn khoăn.
Phần đọc hiểu (3 điểm)
Có tám câu hỏi nhỏ, trong đó bốn câu hỏi đầu đề cập đến đoạn thơ trong bài Đảo thuyền chài của Trần Đăng Khoa. Nét mới lạ ở đây là đề thi đưa vào một đoạn thơ không có trong SGK. Điều này muốn nói với thầy và trò rằng, thế giới không chỉ thu hẹp trong phạm vi SGK mà còn rộng hơn SGK rất nhiều. Nếu như trong tương lai, người ta vẫn tiếp tục ra những tác phẩm không có trong SGK thì có nghĩa là SGK không phải là pháp lệnh mà chỉ là tài liệu tham khảo (giống như nước ngoài). Giáo viên chỉ việc dạy kỹ năng phân tích, và tác phẩm mà giáo viên dạy cho học sinh, dĩ nhiên, sẽ không có trong đề thi. Khi ấy, tư duy “học tủ”, “học vẹt” bị đuổi ra khỏi nhà trường.
Đoạn thơ Đảo thuyền chài có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Học sinh dù theo thị hiếu thẩm mỹ nào cũng đều có thể “cảm nhận” được. Nó khác với những đề thi bắt học sinh phải “cảm” những bài thơ mà họ không thích, chẳng khác gì nhai bo bo thời bao cấp. Đoạn thơ còn có ý nghĩa thời sự, hướng tới vấn đề biển đảo đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Và một ưu điểm nữa, tác phẩm này thuộc văn học đương đại. Điều đó muốn nhắc nhở thầy và trò rằng, văn chương không chỉ là câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Mà nó còn giúp người ta hội nhập vào đời sống văn hóa nghệ thuật đang diễn ra trong thực tại.
Bốn câu hỏi tiếp theo đọc hiểu đoạn văn nghị luận về hội chứng vô cảm. Nội dung đoạn văn cũng hay nhưng theo tôi nên dành cho một đề thi khác vì đề thi này đã quá dài. Đoạn thơ của Trần Đăng Khoa đã dài, đoạn văn nghị luận này cũng dài, và phần trích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ở cuối đề thi lại càng dài hơn. Điểm bất tiện thứ hai là trong đề thi có ba câu có nội dung na ná nhau: bệnh vô cảm (phần đọc hiểu), kỹ năng sống (nghị luận xã hội), bạo lực gia đình (nghị luận văn học). Đề thi không nên ôm đồm, nói nhiều thứ quá gây rối trí của thí sinh. Điểm bất tiện thứ ba là phần đọc hiểu chỉ có 3 điểm nhưng chia làm 8 câu hỏi nhỏ. Trong đó có những câu rất lặt vặt, nhỏ nhặt, nhiều mức điểm li ti. Khi chấm phần này, giám khảo sẽ rối mắt, và rất dễ cộng nhầm điểm. Theo tôi, phần đọc hiểu chỉ nên có bốn câu. Nếu tăng số câu thì phải tăng thang điểm phần đọc hiểu lên 4 điểm.
Phần Nghị luận xã hội (3 điểm)
Đề yêu cầu thí sinh bàn về việc rèn luyện kỹ năng sống. Phần này không mới nhưng thiết thực, nhắc nhở các cậu ấm, cô chiêu thời @ luôn rèn luyện những năng lực giao tiếp phù hợp với xã hội hiện đại. Cái khó của câu này là giải thích cụm từ “kỹ năng sống”. Tuy nhiên, thí sinh chỉ cần nói trong vài câu, không cần định nghĩa bài bản vẫn có thể được giám khảo chấp nhận.
Phần Nghị luận văn học (4 điểm)
Đề yêu cầu phân tích một đoạn đối thoại trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Trước đây, các đề thi thường ra phân tích bao quát cả tác phẩm. Ví dụ như “Hãy phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa…”. Còn đề thi lần này cũng ra phân tích nhân vật nhưng giới hạn trong một đoạn văn. Nhiều thí sinh không để ý điều đó nên vẫn “ngựa quen đường cũ” phân tích nhân vật trong toàn tác phẩm. Vế thứ hai của câu hỏi yêu cầu bình luận cách nhìn đời của Nguyễn Minh Châu. Đây cũng là một nội dung mới vì lâu nay ít có đề thi yêu cầu phân tích điểm nhìn tác giả.
Nhìn chung, đề thi THPT quốc gia năm 2015 có khá nhiều ưu điểm. Nó nhấn mạnh nội dung nhân văn, lên án bạo lực. Có đề cập đến vấn đề biển Đông, bởi vậy mang tính thời sự cao. Đề thi tuy hơi dài nhưng bù lại, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng. Bởi vậy, đề thi cũng vừa sức đối với học sinh trình độ trung bình và cũng có thể chọn được những học sinh khá vào đại học.
Phạm Ngọc Hiền