TÌM HIỂU MỐI QUAN HỆ GIỮA XUÂN THIÊN NHIÊN VÀ XUÂN CUỘC ĐỜI QUA CÁO TẬT THỊ CHÚNG CỦA MÃN GIÁC THIỀN SƯ.

                            ( Ngô Thanh Dung, Phân hiệu ĐHSP Hà Nội tại Hà Nam)

    Bài kệ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của Mãn Giác thiền sư (滿覺),  (1052-1096) ra đời vào những năm đầu thế kỉ X thời nhà Lý. Giai đoạn được coi là có tính chất mở đầu đặt nền móng cho văn học trung đại Việt Nam trên ba bình diện: văn tự, chữ viết và tư duy nghệ thuật. Thế kỉ X – XIV là giai đoạn đầu tiên của chế độ phong kiến. Những người cầm quyền khi đó vừa dựa vào tôn giáo bản địa vừa tiếp thu ba thứ tôn giáo bên ngoài “Nho-Phật-Lão” để xây dựng nhà nước. Do đó văn học mở ra nhiều phương diện về nội dung tạo được tiếng nói đa dạng và phong phú. Khi đi vào bài kệ có thể thấy không chỉ Phật giáo mà các tôn giáo khác như Nho giáo, Lão giáo cũng ảnh hưởng không nhỏ về mặt tư tưởng. Tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” đã cung cấp thế giới quan sự cảm nhận về thế giới; đồng thời chi phối hệ thống hình tượng thể loại và phong cách biểu hiện.  Trong văn bản biểu tượng Xuân được lặp lại xuyên suốt  cộng hưởng với hệ thống biểu tượng chỉ thời gian... được nhắc ở đầu và cuối văn bản  tạo nên một chỉnh thể thống nhất, một vòng tròn khép kín nhằm tăng cấp độ nhấn mạnh những ý nghĩa tiềm ẩn.

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

    Nổi bật trong bài kệ là mối quan hệ giữa mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân đời người đặc trưng cho tư duy thơ của ý thức hệ Phật giáo đặt trong mối tương quan với Nho giáo và Lão giáo. Với Mãn Giác thiền sư mùa xuân của đất trời có thể kiến tạo mùa xuân đời người. Vì thế hãy nhìn sự vật cũng như những biến đổi của thời cuộc ở trạng thái an nhiên nhất. Điều này phù hợp với quan điểm của văn học trung đại cho rằng: sự vật là bất biến nhân quả.

    Với Cáo tật thị chúng của  Mãn Giác Thiền sư, mùa xuân và hoa mai  không chỉ mang ý nghĩa vốn có mà nó còn được bồi đắp thêm những tầng bậc nghĩa khác nhau. Chúng ta cùng đi vào tìm hiểu các lớp nghĩa qua nghĩa biểu đạt của biểu tượng xuân. Trong quan niệm của người xưa, hoa mai là loài hoa chịu được cái giá rét của mùa đông. Trong sương tuyết lạnh, mai vẫn nở hoa, báo hiệu cho mùa xuân đến. Hoa mai tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, thử thách, gian nan. Hình tượng hoa mai vì thế tượng trưng cho sức sống bất diệt của con người.Biểu tượng  đóa mai giúp chúng ta có thể đánh giá đúng hơn về tư tưởng ẩn dụ này qua bài kệ. Với cách đọc hiểu đi vào biểu tượng nghệ thuật hoa mai  người đọc phải tham dự vào tiến trình động não phân tích,  phủ định những nguyên tắc, tưởng chừng như là một chân lý khó phá vỡ vượt qua, do kinh nghiệm thói quen tập quán mang lại trên mặt hiện tượng.  Việc hệ thống hóa biểu tượng nghệ thuật  trước khi  đi vào nội dung của chúng đủ để chúng ta có một cái nhìn tổng quát về mặt hiện tượng (tướng-dụng) và ẩn dụ (thể) Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được. Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau . Những xúc cảm tạo được ấn tượng mạnh hơn, những cặp biểu tượng cũng vì thế cùng đồng hiện để tạo nên hiệu ứng diễn tả tâm trạng rõ rệt nhất.

   Bốn câu đầu của Cáo tật thị chúng được viết dựa trên cấu trúc đăng đối : Xuân khứ - bách hoa lạc- Xuân đáo-  bách hoa khai. Đối cả về ý,  về thanh điệu và cấu tứ. Hai câu thơ sau tính chất biền ngẫu rõ và chặt chẽ. Quá  - lai khiến cho  ý khứ đảo ở trên được lặp lại hai lần xoay vần . Những động từ bình thường ấy đã mang lại cái man mác vô biên,  tính tương khắc,  tương nhập, cấu trúc vận hành bất tận  của vũ trụ. Đó chính là lý thuyết về Dịch trong Khổng giáo chi phối nhân sinh và vũ trụ quan Phương Đông. Hầu hết các triết gia Trung Quốc đều chủ trương rằng : Thiên nhiên hợp nhất ( cũng gọi là thiên nhiên tương dữ) – nghĩa  là người bẩm thụ được cái tính của trời thì đạo của trời tức là đạo của người. Mang tư tưởng Khổng Tử  vào bài kệ có thể thấy hoa nở cũng là đạo  mà hoa rụng cũng là đạo. Thiên nhiên trong Cáo tật thị chúng hiện ra chung chung như một quy luật hiển nhiên . Chỉ có điều tại sao nhà thơ lại đảo ngược quy luật , không phải là đáo- khữ, khai – lạc. Người đời yêu hoa nở hắt hủi hoa tàn thường nghĩ đến " khai" trước " lạc" chi bằng đón nhận nó bằng sự tàn úa để hiện thực hóa khát vọng hồi sinh trong vòng luân hồi của sự sống . Để cuộc hóa sinh vì thế mà trở nên nhẹ nhõm hơn, tươi tắn hơn. Mãn Giác thiền sư chỉ bằng việc đảo trật tự tư duy thông thường đã tạo nên một vòng tuần hoàn đầy chất gợi mở. Một mặt vẫn bình thản trước vòng xoáy của tạo hóa mặt khác lại ngầm gợi đến một niềm hi vọng sự chờ đợi rằng trong cái an nhiên ấy cái sau sẽ tốt đẹp hơn cái trước. Chỉ có điều không thể trốn tránh không thể phủ nhận quá trình sinh hóa của vạn vật . Có nở ắt có tàn. Thiên nhiên đã nhắc ta điều đó.Vì sao? Vì việc đến đi của mùa xuân tùy thuộc vào vô thường, nếu không có vô thường thì sẽ không có đến-đi, và không có đến-đi thì sẽ không có mùa xuân. Do đó, việc: " Xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa cười." chỉ là hiện tượng biến dịch (vô thường) THƯỜNG chứ không gì khác. Ở đây, chúng biểu trưng cho việc sống chết của con người mà lý vô thường luôn được hiện hữu một cách thường xuyên, để thể hiện luật tắc Duyên khởi trong hiện tướng (trongThành-trụ-hoại-không) của các pháp. Chỉ vì chúng ta không nhìn ra được cái lý ẩn của: " Việc đời qua trước mắt, già đến trên đầu rồi," nên từ sự vô thường bất toàn của các pháp, con người đâm ra ham sống sợ chết, sống vui chết buồn, và cũng từ đó mọi sự sợ hãi được hình thành, ám ảnh con người, để rồi các thứ bệnh tà kiến phân biệt chấp trước đua nhau xuất hiện. Do đó, Thiền sư Mãn Giác mới cảnh giác  những người đi sau như chúng ta, qua phép phủ định những xác định mà người đời đã coi chúng như là một thứ chân lý ở hai câu song thất của bài kệ. Qua phủ định này trước hết đứng về mặt biểu hiện thì sự hiện hữu của một đóa mai không bị lệ thuộc vào việc xuân đến hay là xuân đi như chúng thường được chấp nhận một cách tự nhiên,  được coi là thứ chân lý xưa nay theo kinh nghiệm" Xuân đi trăm hoa rụng…theo tiến trình thời gian phân bố đều trong một năm  bốn mùa xuân, hạ,thu, đông. Như vậy có nghĩa là chúng sẽ hiện hữu vào bất cứ lúc nào khi những điều kiện duyên cùng hoàn cảnh môi trường xung quanh đủ cho phép hiện khởi thì chúng hiện hữu. Đó là chỉ nói đến một sự hiện hữu chưa được xác định qua phủ định nhưng ở đây chúng ta được Thiền sư tự xác định thời gian và nơi chốn hiện hữu của chúng qua câu : Đêm qua sân trước một nhành mai". Vậy ở đây đêm trước là đêm nào? Và chúng thuộc mùa nào trong năm điều này cũng dễ thôi, nếu chúng ta biết liên hệ đến thời gian cáo bệnh để dạy chúng  sinh của Mãn Giác. Theo tiểu sử tác giả thì bài kệ với sự hiện hữu của đóa mai này đã đánh đổ được những lệ thuộc ước lệ thời gian từ ngàn xưa để lại  mà mọi người trong chúng ta đã từng chấp nhận như một chân lý thứ hai. Sự hiện hữu của đóa mai này đã nói lên được có thể bất cứ lúc nào nơi nào miễn có đầy đủ mọi duyên cùng hoàn cảnh môi trường chung quanh cho phép thì chúng sẽ hiện hữu. Mai nở vào mùa đông có gì không phải? Qua biểu tượng một đóa mai Thiền sư Mãn giác nhằm trao cho người đời sau đức vô úy trước việc sống chết  của đời người và nói lên sự hiện hữu của cái " Bản lai diện mục" của con người nói riêng và vạn vật vô tình nói chung. Chúng luôn tồn tại và biến dịch theo từng sát na một, chúng luôn tùy thuộc  vào các duyên đủ để hiện khởi và biến khác đi nhờ lý vô thường tác động để hình thành luật tắc" vô thường tức thị" Ở đây,  qua biểu tượng  này chúng ta đã được Mãn Giac thiền sư hướng dẫn cho chúng ta một cách nhìn đúng về sự vật hiện hữu và biến dịch của cái bản lai diện mục chính mỗi người qua phép phủ định.

   Mai nở sớm hay mai cũ của mùa Xuân năm trước là câu hỏi theo cái nhìn cảm giác đời thường.  Mai nở thông qua cái nhìn tuệ giác – Tuệ giác mùa Xuân. Nụ cười, tuệ giác và mùa Xuân là ba khái niệm và ba hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi kết hợp và hòa quyện vào nhau sẽ thành một nguồn vui trong mơ ước.Thiền Sư không nói về một cành mai nào cụ thể  trong một thời điểm cụ thể đó mà đang nói về cành mai bất diệt cành mai bản thể ( bản chất nền tảng). Hoa Mai rụng là biểu hiện của Sắc tướng mà ta chứng kiến bằng thị giác. Nhưng cành mai, thân mai, rễ mai ấy vẫn đang còn sống. Cái căn gốc, cái nhựa sống bên trong của mai đâu có mất. Chỉ cần những điều kiện của Xuân, chỉ cần có những yếu tố Duyên lành của Xuân thì mai đến kỳ là mai lại nở. Vì không ở trong cảnh giới tu luyện nên Xuân Hương, Xuân Diệu luôn đối kháng giữa Xuân của đất trời và Xuân của kiếp người( Xuân của đất trời nay mới đến/ Trong tôi xuân đã đến lâu rồi..). Thực ra, cả hai cái xuân ấy đều đối ứng và không mất đi.Vẫn những chữ “xuân” “khứ” “lai” “lạc” “khai” để chỉ dòng chảy sinh hoá nối tiếp nhau đến vô cùng. Con người không thể thoát khỏi dòng chảy ấy. Đó là kết quả của việc tin rằng trong vũ trụ có một luật biến hoá nào đó có thể tìm hiểu được với một thái độ thuần triết. Như vậy với triết lý Khổng giáo,  trời có ý chí lại vừa là cái lí vô hình mà có khi ta hiểu nổi có khi ta không hiểu nổi.Ý thức hệ “tam giáo đồng nguyên” của đời Lý cũng được nhà sư thấm nhuần. Trong những dòng kệ có cả triết lý thâm sâu của nhà Phật, phong thái của Lão Trang, lạc nhiên tri mệnh (vui với thiên nhiên hiểu mệnh) của Nho gia. Theo Phật,  sự sống của người ta quyết không phải chỉ trong một thời kỳ mà vì nghiệp lực là sự tồn tục vô thuỷ vô chung và thích ứng với tính chất của nghiệp con người sinh vào nhiều cảnh ngộ, dưới những hình trạng sinh vật khác nhau: đó là thuyết “y nghiệp luân hồi” (samsara – lưu chuyển). Phật giáo còn cho rằng sinh mệnh do nhân duyên cấu tạo mà chủ trương vô-ngã-luận. Trang Tử thì nói: Bên này” cũng là “Bên kia”. “Bên kia” cũng là “Bên này”. Cốt tuỷ đích thực của đạo là khi “bên này” “bên kia” không còn mâu thuẫn nữa. Chỉ cái cốt tuỷ này như một cái trục là tâm điểm của vòng tròn và trả lời mọi thay đổi không ngừng”. Trong mọi biến dịch, Lão giáo thấy đó là hiện thân của sự tác động hai cực âm dương và như thế họ tin rằng trong mọi cặp mâu thuẫn hai đối cực tương tác lên nhau một cách năng động. Trong văn bản Cáo tật thị chúng nó tương ứng với nở và tàn sinh và diệt sống và chết. Sự biến dịch này không nên xem là hệ quả của một lực mà là khuynh hướng chung bao gồm mọi vật và tình trạng. Sự vận động của đạo không phải do ai tác động mà thành mà là khuynh hướng hồn hậu tự nhiên. Nguyên lý tác động trong Lão giáo là sự hồn nhiên. Con người cũng phải thuận theo Đạo nên sự hồn nhiên là một đặc tính của hành động con người. Thuận theo thiên nhiên mà làm đối với Lão giáo có nghĩa là làm một cách hồn nhiên tuỳ thuận tự tính. Lão giáo cho rằng cần tin theo trí tuệ trực giác nằm sẵn trong đầu óc con người cũng như qui luật của biến dịch nằm sẵn trong mọi xung quanh chúng ta. Đúng như Hoài Nam Tử đã nói: Cứ theo trật tự tự nhiên cứ trôi theo dòng của Đạo từ “Tri” đến “Ngộ” là cả một chặng đường dài. Chỉ hai câu thơ của Mãn Giác thiền sư mà đã mang ý vị triết luận thấm nhuần tư tưởng “Nho-Phật-Lão” hiểu thấu lẽ thường của đất trời của cuộc đời. Con người thường đi tìm cái vô hạn oán ghét trời đất đã tạo ra cái hữu hạn để sinh ly tử biệt, nuối tiếc những gì đã qua. Hai câu kệ của Mãn Giác thiền sư cho thấy rằng: cái vô hạn nằm ngay trong cái hữu hạ, trong tử có sinh trong sinh có tử tất cả nằm trong vòng tròn của Đạo. Hiểu được điều này người ta sẽ không còn mê đắm trước những gì đang tới, đau đớn trước những gì sẽ qua trước cuộc sinh ly tử biệt. Ấy là tư tưởng rất đặc trưng của phạm trù văn học trung đại nói chung và thời kì văn học Lý Trần nói riêng. Tư tưởng an nhiên trước thời cuộc này sẽ còn được lặp lại nhiều lần trong những tác phẩm về sau kể cả những tác phẩm thuộc nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ngay cả khi mà đạo Phật không còn giữ địa vị độc tôn và Nho học đã đi vào thời kì suy thoái. Mãn Giác thiền sư an lòng sống với cái hằng thường, nhắc nhở người ta về vòng tuần hoàn của cuộc đời để đừng lo lắng, đừng sợ hãi hay kinh ngạc trước nó. Mãn Giác thiền sư lấy thiên nhiên làm thước đo cho con người, sự tuần hoàn của thiên nhiên tất yếu kéo theo vòng xoay của con người:

Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
(Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi)

    Hai câu thơ tiếp trong bài kệ của Mãn Giác thiền sư gợi nghĩ đến những câu thơ của thiền sư Vạn Hạnh trong bài Thị đệ tử cũng với triết lý Phật giáo:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
(Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô)

    Lấy sự vật thiên nhiên làm thước đo Vạn Hạnh cũng như Mãn Giác muốn nói với con người ta rằng: Kiếp người thật ngắn ngủi sự hiện hữu của mỗi con người trên thế giới này chẳng qua chỉ là nhất thời thoáng qua như tia chớp như giọt sương sớm mai treo trên đầu ngọn cỏ. Chu kì một kiếp người giống như cuộc vận hành của đất trời không cùng: hết xuân đến thu hết tươi tốt đến khô héo hết tuổi trẻ (xuân) đến tuổi già (thu)... Đó là quy luật. Mà đã là quy luật thì con người không thể cưỡng nổi. Nên giữ cho mình  sự  bình thản trước vòng quay luân hồi của “Sinh lão bệnh tử”. Trong cái vô thường mà nhận ra cái thường hằng vĩnh cửu,  sống trong an lạc nhẹ nhàng mà mỉm cười trước đổi thay khi đó là đạt đạo. Đó cũng chính là một đặc trưng của văn học trung đại khi rất chú trọng mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên giữa kiếp người với trần thế mà ở đó thiên nhiên chi phối quyết định sự vần xoay của đời người. Thuý Kiều con người “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” vẻ đẹp cũng được ví với những chuẩn mực của thiên nhiên, số phận cũng không tránh khỏi những gì mà thiên nhiên đã định sẵn: “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Thơ văn của các nhà Nho xưa dù mang tư tưởng xuất thế hay nhập thế đều giữ cho mình sự giao hoà với thiên nhiên đất trời để đứng vững  trước sóng gió cuộc đời. Tác giả thơ Thiền cũng vậy,dù có miêu tả sắc thân tịch diệt thì vẫn giữ trong thơ trong mình một tâm hồn yên tĩnh đến kì lạ. Con người trong Phật giáo thiền tông cũng là con người: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, làm chủ trong mọi biến ảo. Vì thế Mãn Giác thiền sư nói đến vòng quay “lão” của đời người cũng chỉ như một bước xoay vần của tạo hoá. Câu kệ có man mác buồn nhưng chủ yếu như một tiếng thở dài nhẹ và sâu. Từ triết luận về mùa xuân đất trời – xuân đời người,  về lẽ sinh tử , Cáo tật thị chúng đã kiến tạo một vòng xoay khép kín: Sinh - lão - bệnh - tử. sinh - trụ - dị - diệt bằng hình ảnh của một nhành mai âm thầm khẳng định sức sống vô biên và vĩnh hằng:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)

    Hai câu cuối cũng là hai câu trần thuật rất khách quan. Sống trong thế giới con người, hàng ngày va chạm với thất tình lục dục là tất yếu. Cuộc thế một trăm năm nhưng ngày nào không có những cuộc bể dâu, không có “biến cải vũng nên đồi”? Trước lúc lâm chung, mọi sự đời vui buồn lớn nhỏ được Mãn Giác đồng hóa thành các vòng quay đều đặn. Không có sóng nhỏ hoặc ba đào, không có những ân oán, yêu thương hận thù… Tất cả cứ tự nhiên như quy luật thiên nhiên . Nhìn những sự kiện trôi qua để mà xóa nhòa nó chứ không phải chấp vào nó là một phản ứng rất tự nhiên của người đang Mãn Giác cùng với Pháp. Chắc chúng ta còn nhớ khi sắp mất, người cha Trần Liễu đã cầm tay Trần Quốc Tuấn với di chúc là lời nguyền cần phải báo thù. Và Hưng Đạo Vương đã chối từ cách báo hiếu đẫm máu ấy.Được - mất, đi - ở đối với người giác ngộ khác với  người thường. Khi không quá coi trọng các sự kiện thì hiển nhiên người tu luyện cũng sẽ sống tùy duyên với vô vi. Thời gian trôi chảy, nhìn mái đầu của mình lấm chấm hoa râm hay bạc phau mây trắng thì có thể cảm nhận được điều ấy. Tỉnh táo nhận biết tất cả nhưng không chấp nó là bản lĩnh của người tu luyện. Sự việc ra đ đi (Sự trục) thì cái già cũng theo đó mà lại.“Sự” có thể là công Đức tích góp từng ngày, cũng có thể là “thập ác bất xá” chiêu mời Nghiệp lực đến từng ngày. Đến một lúc nào đó cá nhân ấy sẽ ra đi mang theo hai chủng ấy mà trở lại. Chắc hẳn Mãn Giác rất thỏa mãn khi thấy cái già theo "sự" và cái "lai" chỉ là những mùa hoa do tích Đức mà có. Cái già hôm nay về với Không Môn nhưng Đức ấy sẽ trở lại. Xuân đến, trăm hoa lại nở! Đứng trước cái chết mà rất lạc quan! Dù sao bốn câu đầu cũng nghiêng về trần thuật. Các động từ dày đặc, không có một tính từ nào để bình phẩm, khen chê.

    Hai câu cuối mới là bài giảng rất thâm sâu cho chúng tăng, cho chúng sinh trước lúc Sư viên tịch:

Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.

    Có một hiện tượng có vẻ đặc biệt, bất chấp quy luật tự nhiên. Rõ ràng, hàng ngàn năm nay, hoa nở khi xuân tới và hoa sẽ rụng hết khi xuân tàn. Nhưng có một loài hoa bất khuất không như thế. Đó là bông hoa mai. Nó không phải nở đúng vào thời khắc rất nhạy cảm của đêm giao thừa như hoa Đào. Nó bị vùi dập trong tuyết lạnh của mùa Đông tháng giá. Nhưng nó lại là loài hoa báo tin xuân trước tất cả mọi loài hoa. Có lẽ vì đặc điểm này mà mai được gắn cho nhiều phẩm chất đáng quý của người quân tử, người Tỉnh Giác, người đánh thức. Mai gần với hình tượng của những Đấng Giác. Phải đến cuối Đông thì những bông hoa gan lì nhất với thời tiết mới hết nở. Trong cái giao thời Đông và Xuân ấy, hoa mai trên tuyết đã nở. Thật diệu kỳ, thật thần thoại. Sự ra đi của một bậc Viên Mãn, của một Giác Giả lại chính là cách thức mà ông phổ độ chúng sinh và truyền Pháp có ý nghĩa nhất. Phải chăng Mãn Giác đang nghĩ tới thầy mình là Thích Ca Mâu Ni và cũng đang nghĩ về một đời tu hành của chính mình đi về Viên Mãn? “Đêm qua” là thời gian, “sân trước” là không gian. Trên cái khung của mới mẻ này xuất hiện một cành mai thật huyền diệu. Nó như minh chứng cho cái tưởng như đã "không" thành cái "hữu", cái "sắc". Cành mai nói cho người ta cái đã đi đang trở lại. Đúng hơn đi và lại; sinh và tử chỉ là con người trong mê mà chúng ta dùng từ ngữ giả tướng để gọi tên. Chúng có khi thị hiện có khi không. Chỉ thế mà thôi.

     Một hình tượng trực giác có thể thay cho vạn lời nói. Đức Phật đã từng cầm cành hoa ẩn ngữ ( biểu tượng ) để cho ai đủ duyên lành Ngộ Pháp. Mãn Giác cũng cho xuất hiện một cành mai trong bài Kệ của mình nói với mọi người lần cuối để vào Không Môn. Tầng thứ hiển nhiên khác nhau. Nhưng có sự tương đồng, phải vậy chăng mà mỗi người đến với bài thơ đều có thể tâm đắc cách riêng cho mình? Mãn Giác Thiền Sư chỉ  giản dị  với biểu tượng xuân nhưng đã đem đến  nhiều tầng bậc ý nghĩa  đủ để chúng ta suy ngẫm. Ngoài đóng vai trò là “vật môi giới” để ta liên tưởng, khám phá những giá trị tiềm ẩn; biểu tượng  xuân còn xuất hiện mang ý nghĩa….. Chính vì lẽ đó, hình ảnh nhành mai…không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm ra đời mà  nay và mai sau vẫn còn nguyên những giá trị tinh thần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) IU.M. Lotman, Kí hiệu học văn hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2015

(2) Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, Nxb Văn hóa thông tin - Viện Văn hóa, Hà Nội, tr.67.

(3), (4), (8) Chevalier Jean, Gheerbrant Alain, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.VIII, 587, 936.

(5) Trần Trọng Dương (2009), Chuyên đề “Biểu tượng Việt Nam”, Tạp chí Tinh Hoa (The Magazine of Elites’ Life), số 01