1. Cái hay và cái độc đáo của văn chương nghệ thuật

Khi đọc một bài thơ thật hay thì luôn cho ta cảm xúc bồi hồi, hoặc khi nghe một ca khúc trái ngang về tình yêu thì lòng buồn vô cớ. Hay như khi nghe một ca khúc vui tươi thì đầu lúc lắc, chân nhìm nhịp rất thích thú. Ta nhắp nháp ly cà phê, thả từng ngụm khói thuốc trong trạng thái hưng phấn - đây là cái hay, cái lạ và cái độc đáo của loại hình văn chương nghệ thuật mà các ngành nghề khác hiếm có. Nó thay đổi trạng thái tâm lý con người rất nhanh chóng: từ vui trở nên buồn và ngược lại.

Điều này bắt nguồn từ tâm hồn của người nghệ sỹ sáng tạo ra cái hay đó rồi chuyển tiếp cho người hưởng thụ nghệ thuật; cái hay nữa là nó chạm đến trái tim người một cách bình thường mà không có sự gò ép: như nhắc ta nhớ về tuổi thơ, nơi có dòng sông quê uốn khúc chạy băng qua cánh đồng lúa xanh um; về một ngôi làng có người mẹ già năm tháng chờ mong con về. Thực tế nó còn xoa dịu được nỗi đau lòng người qua nội dung tác phẩm.

Nguời có năng khiếu sáng tạo nghệ thuật thì làm ra cái đẹp:  Chân – Thiện – Mỹ; người có năng khiếu thẩm định và hưởng thụ thì tiếp thu cái hay, cái đẹp đó được người nghệ sỹ sáng tạo ra chỉ một lần duy nhất trong đời.

Trong văn chương nghệ thuật không có cái hay nào giống nhau. Cái hay văn thơ là ý tưởng câu chữ, cái hay hội họa là màu sắc bố cục, cái hay âm nhạc là những chuỗi âm thanh về tiết tấu, trường độ và cao độ….Chỉ trên dưới 30 ký tự mà người ta mô tả được thế giới rộng lớn và tâm tình con người; chỉ năm màu sắc cơ bản người ta pha trộn để có một bức vẽ thật đẹp và đôi khi là tuyệt tác phẩm. Và chỉ bảy nốt nhạc người ta mô phỏng được tâm trạng con người buồn hay vui, cảnh chiến tranh tang tóc hay cảnh hòa bình ấm êm.

Văn học nghệ thuật từ ý tưởng mơ hồ dần hình thành cụ thể trong đời sống tinh thần hàng ngày của xã hội là chính nhờ vào tài năng của người nghệ sỹ. 

2. Tâm hồn nghệ sỹ và sự sáng tạo

Tâm hồn của người nghệ sỹ là “suy bụng ta ra bụng người” như bao người bình thường khác. Chỉ khác là tài năng của người nghệ sỹ phần lớn do bẩm sinh di truyền. Người nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật từ năng khiếu bẩm sinh và kiến thức học hành cùng niềm đam mê không biết ngừng nghỉ trong công việc sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sỹ luôn có tâm hồn nhạy cảm và tinh tế trong phát kiến ra cái độc đáo của sự vật, sự việc mà người nghệ sỹ trăn trở hướng tới. Người nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật là hiếm khi có sự giống nhau về nội dung ý tưởng, vì giống nhau sẽ không còn là sáng tạo: một bài thơ, một ca khúc, một bức vẽ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết….chỉ sáng tạo được một lần duy nhất trong đời.

Trong tâm hồn tiềm tàng của người nghệ sỹ luôn tiềm ẩn nhiều con người vô hình khác nhau: Một bác sỹ hay nhà chính trị còn là một nhà văn nhà thơ rất nổi tiếng, một nhà văn nhà thơ còn là một nhạc sỹ hay họa sỹ lừng danh.vv…

Sự sáng tạo của người nghệ sỹ thường là bất chợt và ngẫu hứng: như khi bắt gặp tà áo trắng, mái tóc thề xõa vai của cô nữ sinh tan trường…Nếu là nhà nhiếp ảnh thì nhanh tay lia máy liên tục để bắt kịp cái đẹp tíc tắc, về nhà anh ta sẽ tìm kiếm cái đẹp nhất trong bộ ảnh. Nhà thơ và nhạc sỹ cũng thế, lúc đó nhịp thơ, nhịp nhạc âm vang trong đầu rồi những thi từ, ca từ cứ dào dạt mọc ra để hình thành một tác phẩm nghệ thuật mà chẳng phải chỉnh sửa bao nhiêu. Trái với làm thơ có dự định hay làm nhạc theo yêu cầu khách hàng thì thường cho ra một sản phẩm không hài lòng vì cảm xúc ít mà lý trí tính toán thì nhiều.

Tâm hồn người nghệ sỹ như tảng băng trôi: phần nổi tiếp xúc  không gian thời gian mà người nghệ sỹ đã sống từ khi mới sinh ra; phần chìm là tiềm thức có từ khi chưa sinh theo một quan niệm siêu hình nào đó. Phần nổi là nhận thức, kiến thức của người nghệ sỹ, phần tiềm thức là sự lắng đọng của nhiều kiếp người, nó như chiếc bánh nhiều lớp chồng lên nhau từ kiếp này sang kiếp nọ theo quan niệm của phái siêu hình. 

3. Nhớ & quên

Nhớ và quên là hai trạng thái tâm lý bẩm sinh của con người. Nó giống như công tắt điện mở/tắt. Dù chúng ta cố nhớ hay cố quên thì nó vẫn nhớ vẫn quên. Thông thường những cái gì có liên quan đến bản thân thì nó luôn nhớ và ngược lại: như chuyện ông hàng xóm gửi mua bao thuốc lá mà ta chưa bao giờ biết hút thuốc, khi về bị ông mắng là sao lại quên - quên vì nó không có liên quan gì đến thói quen hút thuốc.

Cái quên và nhớ của người nghệ sỹ là rất cần thiết khi sáng tác nghệ thuật. Vì cần quên đi cái cũ và cần nhớ đến cái mới sắp sáng tạo. Nếu anh ta nhớ đến cái trước đó thì anh ta có thể lặp lại thành bản sao. Nhất là nhạc sỹ sáng tác nhạc cần thoát ra trạng thái nhớ các ca khúc của mình trước đó, không thì bị rập khuôn cùng một màu sắc âm nhạc. Người nhạc sỹ bắt đầu quên khi có một giai điệu mới, một lời mới và một chi tiết mới độc đáo trong ca khúc mới mà anh sắp sáng tác. Người nhạc sỹ hiếm khi hát nhạc của nhạc sỹ khác vì lý do là họ sẽ bị nhiễm giai điệu và lời ca của ca khúc mà họ hát.

Có một điều rất thực tế là những nhạc sỹ trẻ sau này thì dễ dàng sáng tác ca khúc theo phong cách hiện đại rất dễ dàng. Nhưng người nhạc sỹ lớn tuổi mới bắt đầu sáng tác, hoặc sáng tác lâu mà muốn thay đổi theo phong cách hiện đại như tuổi trẻ thì rất khó. Bởi lẽ từ còn nhỏ anh ta đàn và hát nhạc của mấy ông nhạc sỹ nổi tiếng trước hoặc ngay cái thời mình sống…thì những âm điệu và lời ca khúc đã tiêm nhiễm từ tận tiềm thức. Nên khi ôm đàn khởi âm sáng tác thì những tuyến giai điệu cùng tuyến ca từ lại đan xen lẫn lộn vào ca khúc mà họ đã nghe, hát và đàn trước đó. Nếu không quên được thì trở thành bắt chước hay đạo nhạc. Vì vậy QUÊN và NHỚ là rất cần trong sáng tạo nghệ thuật. Thế nên mấy ông nghệ sỹ thường bị cho là mắc bệnh đãng trí hay quên chăng ?

4.Tính lặng lẽ của người nghệ sỹ trong sáng tác

Người nghệ sỹ thường sáng tạo trong âm thầm lặng lẽ nên có người cho nghệ sỹ là người cô đơn. Có lẽ sáng taọ nghệ thuật bắt nguồn từ tính hướng nội nhiều hơn sự hướng ngoại. Nhưng cô đơn của họ chỉ là hình thức khi sáng tạo nghệ thuật. Một sự cô đơn mà họ tự tạo ra cho mình để tập trung sáng tác cao độ, mà sự ồn ào sẽ bị chi phối.

Có chuyện một nhà văn rất nổi tiếng là vào ngày Tết, bạn bè thân hữu đến viếng mà không có ông ở nhà. Thực ra thì ông đang ở trong phòng để nghiên cứu tài liệu về một tác phẩm mà ông cho là rất quan trọng với ông. Tuy nhiên cũng có nghệ sỹ thích đi đây đó, giao du cùng bạn bè hoặc lai rai ba xị trước khi cầm bút. Có người cho rằng sự cô đơn lặng lẽ của người nghệ sỹ khi sáng tác sẽ thiếu đi nhịp thở nhịp sống của xã hội đương thời. Thực ra thì họ chỉ cô đơn khi sáng tác nghệ thuật. Sáng tác nghệ thuật ở dạng: văn, thơ, nhạc thì sự cô đơn càng giúp cho người nghệ sỹ dễ đạt đến thăng hoa trong sáng tác. Họ trốn bỏ cuộc vui để đổi lấy sự cô đơn lặng lẽ, nhưng sự náo nhiệt ồn ào cũng mang lại cho người nghệ sỹ mới mẻ trong sáng tác nghệ thuật. Vì cô đơn lặng lẽ hay naó nhiệt ồn ào thì người nghệ sỹ luôn tìm ra cái chi tiết độc đáo để sáng tác nghệ thuật. Điều này phụ thuộc vào tính cách của từng người nghệ sỹ hướng nội hay hướng ngoại.

Lặng lẽ dẫn đến nghiền ngẫm thì mới sâu sắc, lặng lẽ mà tinh tế thì mới hay, như vậy mới thuyết phục được độc gỉa. Nên cô đơn lặng lẽ của người nghệ sỹ hoặc ồn ào náo nhiệt đều giúp người nghệ sỹ dễ dàng trong sáng tác nghệ thuật.

Bên cạnh lặng lẽ cô đơn thì người nghệ sỹ còn có trạng thái “ngủ và thức”. Người nghệ sĩ luôn trăn trở vì ước mơ của họ là vô tận. Họ đam mê miệt mài cả khi đi ngủ, vì trong đầu họ luôn có lửa, ý tưởng và chi tiết mới. Là nhà thơ thì nhịp thơ ầm ỉ, nhạc sỹ thì âm vang tiếng nhạc sâu thẳm tâm hồn. Vì vậy mà người nghệ sỹ thường kêu là mình mất ngủ. Họ không thích giấc ngủ dài vì mất thời gian cho sáng tác, nên có người làm việc tận khuya với cường độ cao. Họ trông thảnh thơi nhàn nhã nhưng tâm hồn thì khó đoán thành lời.

5. Sáng tác liên tục và sáng tác nghỉ ngơi của người nghệ sỹ

Sáng tác liên tục và nghỉ ngơi nó phụ thuộc vào niềm hứng khởi, thôi thúc bên trong tâm hồn người nghệ sỹ. Sự sáng tạo liên tục có thể làm người nghệ sỹ mệt mỏi nhưng anh ta không thể dừng nó ngay như đạp thắng xe, nếu muốn anh ta phải chuyển nó từ trạng thái sáng tác văn thơ sang trạng thái sáng tác âm nhạc hay hội họa để cắt đứt niềm hứng khởi đang thôi thúc bên trong tâm hồn - nếu anh ta là người đa tài. Như anh ta là người đơn tài thì công việc sáng tạo vẫn tiếp diễn với sự thôi thúc. Và anh ta phải làm một công việc gì đó để cắt đứt nguồn hứng khởi như anh ta muốn nghỉ ngơi – người ta nói nghệ thuật không buông tha người nghệ sỹ có tâm huyết trừ khi anh ta chết.

Sáng tác có nghỉ ngơi giúp người nghệ sỹ mau phục hồi năng lượng cho sáng tạo mới. Nhưng sáng tạo liên tục và sáng tạo nghỉ ngơi liệu cái nào hơn cái nào về chất lượng sản phẩm ? Hiện chưa có câu trả lời, nhưng nhiều người cho rằng sáng tác có nghỉ ngơi sẽ hiệu quả hơn, tuy nhiên có người cho rằng sáng tác liên tục sẽ giúp trí lực hoạt động, dễ dàng phát kiến ra cái mới mẻ và có thêm trải nghiệm….

Nghe nói nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có khoảng 700 ca khúc, cũng có người nói trên 1.000 ca khúc. Nhưng không ai thử ước tính là một ngày ông sáng tác bao nhiều bài trong sự nghiệp sáng tác của ông. Với con số này thì hơn tất cả các nhạc sỹ từ thời của ông cho đến bây giờ. Tạm thời cho ông là người nhạc sỹ sáng tác có tính liên tục: 700 hay 1000 ca khúc thì có bao nhiêu ca khúc hay để đời. Như ai thường hát nhạc Trịnh thì cũng có thể tính ra với tỷ lệ nào đó. Theo cách tính này nếu như ông không sáng tác liên tục, mà sáng tác nghỉ ngơi nhiều hơn thì chưa chắc ông đã có nhiều bài hay nổi tiếng đến bây giờ. Tuy nhiên cũng có nhạc sỹ nổi tiếng với số ca khúc rất ít.

Như nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc sinh thời có lần ông nói trên tivi: một nhà thơ làm được 100 bài thơ mà có một bài hay là một thành công. Như vậy văn học nghệ thuật có muốn hay cũng không dễ. Với tỷ lệ là một phần trăm trong sáng tác nghệ thuật thì tỷ lệ này có quá thấp không ?

Sáng tác nghệ thuật không có điểm dừng, người nghệ sỹ mặc sức tung hoành trong thế giới tưởng tượng của mình. Cái hay dở không quá phụ thuộc vào tính cầu toàn hay phóng khoáng, tất nhiên cầu toàn thường làm cho tác phẩm chỉn chu, nhưng cái hay của tác giả chưa phải là cái hay của độc giả. Thông thường tác phẩm nào nói hết ngõ ngách lòng người thì chiếm được cảm tình nhiều độc giả. 

6. Tài năng nghệ sỹ & tác phẩm

Nói về cái đẹp thì có nhiều cách nói khác nhau, nhưng có một cách mà cái đẹp luôn tồn tại dù cho thời gian có tàn phai: như một  phụ nữ đẹp khi còn trẻ, đến khi về già thì cái đẹp xưa luôn ẩn hiện ở vóc dáng, nụ cười và đường nét khuôn mặt của người phụ nữ. Rồi cái đẹp đó đã được sinh sôi từ gen di truyền cho thế hệ mai sau dù là ít nhiều. Như người nghệ sỹ có tâm hồn đẹp thì anh ta ký gởi nó vào tác phẩm qua hình tượng nghệ thuật rồi truyền tải đến người hưởng thụ. Thông thường tác phẩm hay, kinh điển thì được lưu truyền từ đời này sang đời nọ.

Nghệ thuật là một thế giới ảo nhưng nó phải thực gần gũi với đời sống hàng ngày. Nó còn rất thực vì đã đào sâu được mảng tối của tâm hồn nguời vốn phức tạp và bí hiểm - một cách chân thật nhất. Nguồn gốc của nghệ thuật là Chân – Thiện – Mỹ: nhằm hướng con người đạt tới cái đẹp nhất.

Nghệ thuật thuộc về taì năng và sự độc đáo của một cá nhân: đôi khi người nghệ sỹ trở thành trung tâm của một quốc gia hay toàn thế giới như phát kiến ra học thuyết vĩ đại nào đó ảnh hưởng đến cuộc sống loài người.

Một người làm văn chương nghệ thuật không dễ dàng như nhiều người tưởng chỉ vì sự háo danh nổi tiếng. Một nhà văn có thể hy sinh tự do trong sáng tác chỉ vì tổ quốc của mình.v.v...

Văn học nghệ thuật là một nghề khó nhất, vì trong một triệu người mới có vài nhà văn, nhà thơ đích thực. Theo quan niệm phương đông thì một nhà văn, nhà thơ có khi phải trải qua nhiều kiếp người tái sinh của một dòng họ, nên các nhà văn ngày xưa rất được tôn trọng vì giá trị này. Tuy nhiên rất ít người sống được bằng nghề văn thơ, nếu có thì chỉ ở một giai đoạn sáng tác sung sức nhất và thăng hoa nhất. Có lẽ khó nhất là nhà văn (nhà khảo cứu, viết sách….). Họ phải sưu tầm hàng ngàn cuốn sách tư liệu từ nhiều nguồn, nhiều ngôn ngữ khác nhau; từ cổ chí kim, từ trong và ngoài nước…Mới có thể viết thành một quyển sách có khi kéo dài hàng chục năm. Nên nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ muốn sáng tác được một tác phẩm để đời cũng không dễ và cũng không mấy người.

Theo triết học phương đông thì người nghệ sỹ nằm trong THIÊN – ĐỊA – NHÂN của trời đất bao la vô tận. Họ sinh ở đâu thì hít thở khí trời và uống nước sông suối nơi đó. Họ cảm được nền văn hóa, họ cảm được cái đẹp, cái tinh tế từ trời đất sông núi bao la…Tất cả như ban cho họ một năng lực vô hình. Vì trời đất tạo ra họ là con người đặc biệt thì cũng phải giúp họ làm nên cái đặc biệt của trời đất vạn năng. Tất cả loài người đều có kho báu trời ban cho từ bên trong con người. Tạo hóa cấp cho người này người kia chiếc chìa khóa vạn năng để mở ra cánh cửa kho báu, nhưng có người mở được nhiều kho báu, có người thì ít và có người cũng không mở được kho báu nào. Đôi lúc ta trách trời đất không công bằng.

Xin nói thêm: thường có hai quan niệm khác nhau về người nghệ sỹ. Theo truyền thống phương đông thì tài của người nghệ sỹ là do bẩm sinh di truyền mà được trời đất ban cho một người; với phái thực tế thì cho là tài của người nghệ sỹ là do sự học tập trau dồi mà có. Cái tài người nghệ sỹ được hình thành từ hai quan niệm trái chiều này.

Thuyết vô hình cho rằng cái tài của người nghệ sỹ thường trải qua các kiếp người của một bản thân và dòng họ, được trời đất ưu ái ban cho người này mà không ban cho người kia. Vì vậy người nghệ sỹ được coi là đang nhận lãnh nhiệm vụ thiêng liêng, khó khăn và đầy thử thách mà trời đất giao cho người nghệ sỹ phải thực hiện được ba điều cốt lõi của cái Đẹp đó là: Chân, Thiện, Mỹ. Vì cái không hoàn thiện của tạo hóa là sinh ra các loài thường đối lập nhau: thiện/ác, xấu/tốt, thương/hận….Mà người nghệ sỹ phải có trách nhiệm khắc chế cái xấu, ác và hận. Hoặc người nghệ sỹ như một tín đồ tôn giáo đi gieo rắc cái Chân, Thiện, Mỹ cho chúng sinh qua hình thức văn học nghệ thuật.

Phái thực tế cho rằng: một người có tài bẩm sinh mà không được giáo dục học tập tới nơi tới chốn thì khi lớn lên cũng sẽ thành người bình thường. Cái taì còn phụ thuộc là người nghệ sỹ đó được sinh ra: ở vùng quê hay thành thị, sinh trong một gia đình nghèo hay giàu, có truyền thống hiếu học hay không, sinh ra thời chiến hay thời bình.vv…

Trời đất là đấng sáng tạo vô song nên cũng ban cho người nghệ sỹ sức tưởng tượng và sự sáng tạo khác người. Xưa nay người ta hay nói đến cái nghiệp văn chương như số trời đã định cho một người. Nghề viết văn coi như nghiệp chướng của chữ “tâm và tài”. Tài năng của người nghệ sỹ thường có phần thực và phần ảo, sự giao thoa giữa tiềm thức và hiện thực như sự giao thoa không thể thiếu giữa âm và dương. Tài năng của người nghệ sỹ phải thể hiện được sự khác biệt độc đáo cuả thời đại mình đang sống. Và khác thế hệ đi trước về sự sáng tạo mới mẻ, có như vậy thì nền văn học nghệ thuật mới bắt kịp sự phát triển chung.

7. Đặc trưng và sự sáng tạo của người nghệ sỹ

Có thể nói cá tính là đặc trưng của người nghệ sỹ trong sáng tạo nghệ thuật. Tùy theo loại hình nghệ thuật mà người nghệ sỹ thể hiện cá tính của mình: như nhạc sỹ mạnh về thính giác âm thanh, họa sỹ mạnh về thị giác màu sắc, nhà văn nhà thơ mạnh về hình dung tưởng tượng.

Đặc trưng chung của người nghệ sỹ là sự nhạy cảm: vì có nhà văn, nhà thơ phải chảy nước mắt khi sáng tác, người nhạc sỹ phải nghẹn ngào với ca khúc của mình. Bên cạnh tính nhạy cảm là tính tự do trong sáng tác – tính tự do này biết dừng lại ở cái hình mẫu đẹp nhất mà không quá đà. Nhờ vào tính tự do mà người nghệ sỹ mới cháy hết mình, mới đam mê hết mình, mới sáng tạo hết mình, mới làm ra caí mới mẻ đặc biệt và độc đáo nhất. Không tự do người nghệ sỹ không còn là chính mình nữa, có thế là bản sao của dấu chân người khổng lồ, là cái bóng bé nhỏ của cây cao bóng cả. Tuy nhiên cũng có nghệ sỹ có thực tài nhưng ngaị ngùng vì đã quen với nề nếp khuôn vàng thước ngọc.

Sự tự do của người nghệ sỹ như cánh chim tung bay giữa bầu trời xanh bao la. Và sự tự do đó cũng chấp nhận bão tố phong ba cuộc đời.

8. Lý trí, cảm xúc và nội tâm

Trong sáng tạo văn học nghệ thuật thì nội tâm của người nghệ sỹ làm nên tác phẩm. Mà cảm xúc và lý trí giữ vai trò rất quan trọng cho việc hình thành tác phẩm. Lý trí và cảm xúc như hai chiếc vòng tròn chồng chéo lên nhau, khi cảm xúc vượt giới hạn thì lý trí kéo lại: cảm xúc là con ngựa bất kham, lý trí là dây cương để điều khiển con ngựa bất kham đó. Tuy nhiên ở trường hợp khi lý trí không thể quyết định nhanh chóng thì cảm xúc quyết định - tức sự linh cảm giống như khi chúng ta đứng trước ngã ba đường của sự hiểm nguy thì linh cảm sẽ giúp ta lựa chọn rủi may trong khi lý trí không có thời gian suy nghĩ đưa ra quyết định kịp thời.

Người nghệ sỹ cầm bút thì tính chủ quan là tất nhiên trong sáng tác nghệ thuật: những cái mà nghệ sỹ viết thì đi ra từ tâm hồn, tâm linh của mình; họ cảm nhận được xã hội đang sống là như thế nào, một thế giới tương lai là ra sao.vv….

Người nghệ sỹ đôi khi như nhà tiên tri, vì vậy mà tác phẩm của họ có lúc đi trước thời gian. Chính thế giới nôị tâm phức tạp và khó biết này đã giúp người nghệ sỹ sáng taọ nghệ thuật luôn mới mẻ và độc đáo. Người nghệ sỹ thường dựa vào bản năng con người đó là: thất tình lục dục (…) để sáng tác. Nhất là nhà văn nào biết cách khai thác bí mật lòng người - thì là một thành công trong tác phẩm.

9. Thế giới tiềm thức cuả người nghệ sỹ

Những lúc ta đọc một bài thơ, nghe một bản nhạc, hay xem một bộ phim….chợt ta bồi hồi rồi nhớ lại hình như mình đã từng thấy, từng nằm trong hoàn cảnh đó...nhưng ta không thể giải thích. Hay trong giấc mơ thấy mình trở về nơi từng sinh sống với cảnh sắc chưa thấy ngoài đời.v.v….

Người ta cho rằng tiềm thức là không gian vô thức bí ẩn, nó chứa đựng lượng kiến thức đồ sộ từ nhiêù kiếp người, đồng thời cộng lượng kiến thức để làm nên tài năng của một người. Vì phần lớn tiềm thức làm nên cái đặc biệt của người nghệ sỹ. Nếu là người cầm bút như nhà văn, nhà thơ thì sẽ thấy rõ điều này khi sáng tác nghệ thuật. Những điều họ viết ra không từ cái suy nghĩ thông thường hàng ngày mà còn có dòng cảm xúc từ tiềm thức vô hình; dòng suy nghĩ này tuôn chảy dưới ngòi bút viết vội và ngoằn ngoèo chữ viết khó đọc của người nghệ sỹ. Nhà văn nhà thơ thường tức cảnh sinh tình: hỏi anh ta sao lại viết như vậy, anh ta trả lời là không biết tại sao. Thực ra người nghệ sỹ sáng tác nghệ thuật là dựa vào lượng kiến thức tiềm ẩn và lượng kiến thức thực tế. Họ viết như bao người nghệ sỹ đi trước: từ kỷ niệm tuổi thơ, quê hương, tình yêu ngang trái.vv...từ thực tại và tiền kiếp mà họ cảm nhận.

Như nhà viết kịch bản phim lịch sử, ngoài những kiến thức đã học, tư liệu thư viện, viện bảo tàng….Anh ta còn phải hình dung tưởng tượng ra những chi tiết về sự kiện khác nhau: làng mạc, y phục, vũ khí.v.v… Mà những chi tiết đó không quá sai với thời lịch sử xa xưa là bao nhiêu. Vì vậy mà có chuyện khó tin là một em bé mười tuổi đã vẽ lại ngôi làng của mình từ tiền kiếp, có cả hình ảnh về cha mẹ, anh em mình. 

10. Hình dung và tưởng tượng của người nghệ sỹ

Một buổi hoàng hôn: xa nơi chân trời là đám mây hình ngũ sắc có nhiều hình dạng khác nhau, bỗng bạn thấy xa kia là hình của một con ngựa vằn đang phi nước đại về trời, kế đó là hình một vị thần hung ác có vẻ mặt đáng sợ; gần nữa là hình bóng của bà mẹ già có đôi mắt nhăn nheo đang trông chờ con về.vv…Bạn thật sự bồi hồi nhớ đến người mẹ quê xa xôi mà lâu lắm rồi không về thăm mẹ già. Bạn có thể viết thành một câu chuyện hay làm một bài thơ nói về cảm xúc của mình mới đây. (Hình dung có đối tượng và không đối tượng)

Người nghệ sỹ cũng thế ! Không có hình dung tưởng tượng thì không có sáng tác văn học nghệ thuật. Những hình dung tưởng tượng không có thực trong cuộc sống hàng ngày, nhưng với taì năng của người nghệ sỹ họ có thể làm nó sinh động và thực hơn rất nhiều, vì vậy mới lấy được tình cảm và nước mắt độc giả qua số phận nghiệt ngã của nhân vật.vv…

Sự lồng ghép từ ảo đến thực, từ tiềm thức, lý trí đến tâm linh cùng tài năng của nhà văn đã làm cho sự vật, sự việc từ không có trở thành có, và từ mờ nhạt đến tỏa sáng....Hầu giúp độc giả thưởng ngoạn cái đẹp, cái độc đáo của văn chương.

Người độc giả được coi là người sáng tác thứ hai sau nhà văn, vì vậy muốn hiểu tác phẩm được tường tận thì độc giả cũng là người giỏi về hình dung tượng, đồng thời cũng là nhà phê bình tác phẩm mà mình đọc. Hay dở ra sao. Và nên viết như thế nào để chạm đến trái tim của độc giả.

Như ở âm nhạc thì người nghe là người sáng tác thứ ba sau nhạc sỹ và ca sỹ. Vì ca sỹ ngày nay có quyền thay đổi một hai nốt nhạc hoặc một vài ca từ cho dễ hát dễ nghe, cũng như cách hát như thế nào là tùy người ca sỹ chọn lựa. So với ngày xưa là điều cấm kị vì nhạc sỹ là người quyết định tất cả. Có  chị ca sỹ trước 1975 đã nói: có khi tập một ca khúc từ sáng tới chiều mà không sao hài lòng ông nhạc sỹ dù không phải là khó tính, nhưng đó là đứa con tinh thần có thể làm nên danh tiếng người nhạc sỹ. 

11. Tâm người nghệ sỹ

Đã là người thì ai cũng có cái Tâm riêng của mình. Và người nào có cái Tâm trong sáng có thể gọi là minh triết, vì minh triết là dùng cái Tâm để phán xét sự vật và sự viêc mà không phải dùng cảm xúc hay lý trí. Chính cái Tâm điều khiển lý trí và tình cảm, vì Tâm là cốt lõi của tinh thần khí phách con người. Tuy nhiên muốn cho cái Tâm đạt đến minh triết không phải là dễ dàng, vì thất tình lục dục luôn đeo bám Tâm người, vì vậy cần tu luyện Tâm mỗi ngày mới mong có được cái Tâm minh triết.

Tâm người luôn có một điểm giao thoa với vũ trụ bao la đó là thế giới tâm linh, là linh cảm của con người đối với cái hư không huyền bí và vạn vật chung quanh. Nhờ Tâm mà người nghệ sỹ dự đoán được sự vật sự việc trong tương lai hay quá khứ. Caí Tâm của người nghệ sỹ phải thanh tịnh, đức hạnh và đầy ắp tình thương và lòng vị tha – chữ tâm bằng ba chữ tài.

12. Cảm hứng nghệ thuật của người nghệ sỹ

Trong chúng ta thì ai cũng có niềm cảm hứng về một điều gì đó như cảm hứng đi du lịch, cảm hứng được leo núi.vv…Nhưng đối với nguời nghệ sỹ thì cảm hứng là bắt đầu cho việc sáng tác nghệ thuật. Cảm hứng là nguồn năng lượng siêu hình thôi thúc người nghệ sỹ sáng tạo từ bên trong. Cảm hứng luôn là một điều kỳ bí, nó làm cho tim người nghệ sỹ đập khác thường, không làm chủ được bàn tay viết vì những cảm hứng từ đâu ùa tới dồn dập. Cảm hứng làm tinh thần người nghệ sỹ tập trung cao độ. Cảm hứng nghệ thuật không thể lý giải cặn kẻ, giống như có đấng siêu hình luôn tìm cách truyền cho người nghệ sỹ nguồn năng lượng, và làm cho người nghệ sỹ thăng hoa khi sáng tác. Nguồn cảm hứng này chỉ xuất hiện với người có tài năng. Nôm na người nghệ sỹ như kẻ bị sai khiến của thượng đế… là anh ta phai đi làm công việc sáng tạo nghệ thuật cho trần gian. Anh ta viết ra những điều mà anh ta “biết và chưa biết”

Như anh nhạc sỹ ngồi hóng mát ở hiên nhà ban trưa, anh nghe tiếng chim hót líu lo trên cành cây, anh ta hứng thú huýt sáo theo thành một âm thanh giai điệu. Rồi từ đó hình thành một ca khúc mới. Và sự ra đời của ca khúc này từ bối cảnh tiếng chim hót ban trưa. Anh ta có thể đặt tên “tiếng chim hót ban trưa” bằng cách thêm lời vào để miêu tả. Biết đâu anh ta trở thành nổi tiếng từ ca khúc ngẫu hứng này.vv….

“Không ai tự làm mình trở thành người nghệ sỹ đích thực, trừ khi có tài năng thật sự và một tâm hồn đặt biệt”

Phan Thanh Tâm – Cà Mau