Nhiều độc giả không phải là nhà thơ, nhà nghiên cứu hay phê bình văn học trong đó có người viết. Thông thường khi đọc một tác phẩm thơ thấy hay hay, thì nói: bài thơ này hay. Vậy cái hay đó ở đâu ? Người viết nhờ Bác gu-gồ giải thích. Bác nói: cái hay đó là nhờ vào “tứ thơ”.

Tứ thơ là nội hàm của sự khám phá:

  1. Tứ thơ là xương sống của bài thơ
  2. Tứ thơ là trụ cột của ngôi nhà thơ
  3. Tứ thơ là nhân của trung tâm bài thơ
  4. Tứ thơ là cách liên kết cấu trúc các ý thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu qủa nhất của chủ đề trữ tình.

Tuy nhiên nó vẫn chưa bộc lộ hết caí tứ thơ, đó là điều bí mật của tứ thơ. Nó dễ bị hiểu lầm là đại ý bài thơ. Thơ mang tính ảo diệu mơ hồ mới là thơ.vv…(*)

Có người cho tứ thơ là “vi diệu”.

Người viết muốn đi tìm cái vi diệu đó theo cảm nghĩ riêng là như thế nào.

Theo thiển ý, trước nhất là viết sao cho vui vui, để dễ bề cảm nhận về cái “tứ thơ” khá mơ hồ; thứ hai là làm sao cho “tứ thơ” có hình tướng, dễ dàng hình dung cảm nhận. Vì vậy người viết xin ví von về người con gái đẹp, như một bông hoa ngát hương của buổi bình minh sáng sớm đã làm bướm ong ve vãn hút mật. Trong đó có một loaì bướm đặt biệt đó là bướm “Nhà thơ”.

Anh bướm nhà thơ này rất đa tình và lãng mạn. Muốn trêu hoa ghẹo nguyệt để hút được mật trinh nguyên, thì trước tiên anh ta phải có “ý” tức ý tưởng về cái mà anh muốn nhắm tới đó là: tình yêu và dục vọng. Muốn thể hiện tình yêu và dục vọng này ra bên ngoài cho đối tượng biết, đó là thể hiện cái tứ (ý và tứ). Nghĩa là làm thế nào để dụ dỗ được đối tượng một cách độc đáo nhất. Mà xưa nay không con bướm đực nào biết được “cách tán gái siêu đẳng” có một không hai. Như ta hay nghe thấy, mấy bà mẹ thường hỏi con gái mình: là con có “ý tứ” gì với cậu ta không, mà sao mỗi buổi chiều tan học, mẹ lại thấy nó lẽo đẽo theo sau con về tận nhà”: cô gái nghe mẹ nói thì đỏ mặt chạy đi - đó là “cái ý cái tứ” khéo léo của cô gái thể hiện ra bên ngoài cho người mẹ biết, là con mình nay đã lớn và cũng đã yêu.

Như vậy “tứ thơ” bắt đầu từ ý tưởng và ý muốn của nhà thơ. Nhưng để đưa tý tưởng và ý muốn ra bên ngoài, thì nhà thơ cần hình thức diễn đạt - tức hình thức thể loại thơ phù hợp với tâm trạng nhà thơ lúc đó. Và chính cái hình thức thơ có niêm luật là khuôn vàng thước ngọc: là cốt lõi để nhà thơ thể hiện cái “tứ thơ” ra bên ngoài một cách dễ dàng, sâu sắc và độc đáo nhât. Nhà thơ nhạy cảm với nhịp thơ…Và khi nhịp thơ đồng điệu với nhịp tâm hồn thì lúc đó nhà thơ bắt đầu sự hứng khởi làm thơ. Lúc đó ý và tứ đạt đến mức thăng hoa, làm tuôn chảy cảm xúc ra bên ngoài dưới ngòi bút của nhà thơ.

Vì sao cái niêm luật khắt khe lại giúp diễn đạt được cái tứ thơ

Thông thường ta dùng ngôn ngữ hàng ngày để giao tiếp, ngôn ngữ này chưa phải là ngôn ngữ của văn chương, dù có nhiều người nói năng lưu loát được cho là người văn chương. Muốn ngôn ngữ thông thường trở thành ngôn ngữ văn chương, thì phải thông qua một hình thức văn chương nào đó để nâng cấp, thanh lọc ngôn ngữ. Như chủ đề ý tưởng của nhà thơ, trước tiên là anh ta lấy nó từ cảm hứng cuộc sống hàng ngày …Anh muốn thể hiện nó qua ngôn ngữ văn chương, thì anh ta phải thông qua một trong những hình thức thơ như lục bát hay đường luật…Lúc này ý tưởng được biến đổi qua hình thức thơ, lúc đó cái “tứ thơ” mới xuất hiện rõ nét – tức là cách anh ta miêu tả lại ý tưởng sao cho độc đáo, qua sự vật và sự việc mà anh cảm thấy trước đó. Mà có được cái độc đáo là nhờ vào hình thức thơ có niêm luật chặt chẽ.

Vì sao niêm luật chặt chẽ lại giúp tứ thơ xuất hiện dễ dàng và độc đáo 

Tâm hồn nhà thơ là một kỳ bí thiên nhiên. Mọi ý tưởng khi đi qua tâm hồn nhà thơ như đi qua cái máy lọc tự nhiên: nó nhào nặn, chắt lọc và phân tích… để có được cái tinh xảo và sắp xếp chúng lại theo cách nó nghĩ nó làm: nó coi từ nào thô ráp thì loại bỏ, từ nào hay đặc sắc thì lấy; câu chữ nào cho nhiều hình tượng về âm thanh, cảm xúc và nhịp điệu nhất thì lấy. Nó tự động đảo từ, lập từ mới, câu chữ mới, diễn đạt mới.v.v…Một nhà thơ đã quen với niêm luật chặt chẽ, bỏ niêm luật thì anh ta rất khó làm thơ. Mà cố làm thì cũng không có cái tứ thơ độc đáo như trước.

Tứ thơ được cho là phần “vi diệu” nhất của thơ. Nó được diễn đạt ra bên ngoài phải độc đáo, độc lạ... Từ sự trải nghiệm, trí tuệ, tiềm thức và linh cảm của mỗi nhà thơ. 

Mỗi cảm nhận mới về tứ thơ luôn diễn ra theo thời gian. Từ khám phá cũ đến phám phá mới là một quá trình tiếp diễn không ngừng. Bởi cái “vi diệu” của tứ thơ đã mang lại cảm hứng cho từng người cảm nhận là khác nhau. 

Tứ thơ đã đóng góp cho kho tàng văn chương về từ ngữ mới, cách nói lạ và rất độc đáo ở loại hình nghệ thuật này. 

“Văn chương là sự khám phá vô hạn” 

Phan Thanh Tâm – Cà Mau

1.11.2022