Nhắc đến văn chương đô thị miền Nam trước năm 1975, không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Hoàng. Bà bắt đầu được chú ý trên văn đàn với tiểu thuyết Vòng tay học trò. Ngoài ra, bà còn có rất nhiều tác phẩm văn xuôi khác. Sau năm 1975, bà vắng bóng trên văn đàn một thời gian khá dài. Đến đầu năm 2021, nhiều tác phẩm của bà được tái bản. Trong đó có tiểu thuyết Cuộc tình trong ngục thất. Tác phẩm kể về câu chuyện người vợ từ Sài Gòn ra Huế tìm chồng. Người chồng vừa trải qua những ngày tháng chiến trận khốc liệt. Cả hai quyết định trốn về Sài Gòn. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng quang cảnh tán loạn và kết thúc bằng đìu hiu lặng lẽ, cảm giác còn lại của truyện này chính là sự vô định. Nhà văn, nhân vật nữ, cũng như độc giả, rồi chẳng biết đời người sẽ đi về đâu. Sợ hãi, hoang mang, lạc lõng, bất an,…chính là những gì mà Cuộc tình trong ngục thất mang lại. Đó là những gì chúng ta có thể bàn đến trong tác phẩm này như màu sắc hiện sinh của kiếp người.

1. Sự lo sợ, bất an, hoang mang trước thực tại cuộc sống

Xuyên suốt tác phẩm là tâm trạng lo âu, sợ hãi, u uất, tuyệt vọng, đau buồn, chán nản của nhân vật. Người đàn bà lo rằng sẽ có ai đó quen biết nhận ra mình. Một tiếng rít từ cánh cổng sắt của hãng hàng không vang lên cũng khiến người đàn bà cảm thấy ghê sợ như cánh cửa ngục thất sắp khép lại: Phố sắp sửa ngừng lại những sinh hoạt phập phồng hoang mang của một ngày nặng nề buồn bã. Tiếng những cánh cửa sắt kéo, âm thanh như từ tù ngục vẳng lên, lạnh lẽo, căm hận” và thậm chí nó còn gợi lên trong tâm trí bà một cảm giác căm hận đáng sợ. Ngay cái cách mà tác giả miêu tả phố phường thông qua cảm nhận của người đàn bà cũng phủ đầy một màu sắc hoang mang, lo sợ: “Tất cả mọi nhịp điệu đều biểu lộ một vẻ hoảng hốt, lo âu của ngày tàn, một ngày lê thê giữa chuỗi ngày nhọc nhằn, tai biến, tối tăm. Với một chút gì chìm ngập trong bất an, trong phiền muộn, trong rã rời tàn lụi.”. Chẳng biết, chính khung cảnh phố phường hoang tàn xơ xác, tàn lụi hay chính tâm hồn người đàn bà đang nặng trĩu một tâm trạng bi quan, lo âu và chán nản. Ngay cả khi người đàn bà bước vào quầy vé và chen vào để đặt vé thì tâm trạng của bà cũng ngổn ngang những lo âu không dứt. Tựa hồ như bà đang phải chịu đựng một mối đe dọa, một mối hiểm nguy nào đó ghê gớm lắm đang rình rập: “Nàng cảm thấy ngột thở vì hồi hộp và lo âu. Cảm thấy nao núng với lối tiếp khách hách dịch và nặng nề của nhân viên hàng không lúc gần mãn giờ làm việc. Nàng nghĩ thầm, mọi chuyện sẽ không dễ dàng như mình tưởng, nếu không có một may mắn, một phép lạ nào đó sẽ xảy ra.”. Mới chỉ một vài đoạn mở đầu mà tác giả đã gieo vào tâm trí người đọc hàng loạt những câu hỏi chưa có lời giải đáp: Người đàn bà này là ai? Tại sao bà ta lại nặng trĩu một tâm trạng lo âu như vậy? Cách viết của tác giả đã ngay từ đầu cũng khiến cho độc giả cảm thấy nặng nề, bất an và dự cảm, liên tưởng đến những điều đáng sợ hay một hoàn cảnh bi thương nào đó về thân phận người đàn bà.

Xen kẽ những lời đối đáp giữa người đàn bà và nhân viên quầy vé; xen kẽ những lời năn nỉ của người đàn bà nhờ cô nhân viên quầy vé tìm cách để bà ta có thể mua vé là tâm trạng lo lắng, hoang mang đau khổ dằn vặt của người đàn bà. Qua tâm trạng của người đàn bà thì người đọc có một linh cảm rằng, chuyến đi ngày mai rất quan trọng với bà ta. Và dường như đó là cơ hội cuối cùng… Vấn đề là ở chỗ, người đọc vẫn không hiểu nổi nguyên do, nguồn cơn nào mà người đàn bà tỏ ra cần kíp chuyến bay vào Sài Gòn vào ngày mai đến vậy. Ngay cả trong những suy nghĩ đầy tâm trạng của người đàn bà thì cũng chẳng có đề cập đến một sự việc, một nguyên nhân nào rõ ràng cả. Chính điều này càng làm cho người đọc thêm hoang mang, hồi hộp và lo lắng cho người đàn bà: “Có vé hay không có vé. Sống hay chết. Ra đi. Hay ở lại. Ngày mai, ngày kia, ngày mai. Ngày mai thôiKhông thể và không còn bất cứ một ngày nào khác trong suốt đời còn lại. Hãy bán vé cho tôi. Hãy dẫn đường sống cho tôi. Hãy chừa lối thoát cho tôi. Nàng nghĩ, triền miên, điên cuồng, như mưa không ngừng rơi bên ngoài mái trời chợt tối”. Những suy nghĩ, tâm trạng tuyệt vọng, bế tắc, đau khổ như vậy cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí người đàn bà.

Trong khi người đàn bà tỏ ra rất cần chuyến bay vào ngày mai và bà tìm mọi cách để mua được vé thì chớ trêu thay vé của những chuyến bay chính thức không còn. Và phải chăng cuộc đời đang trêu đùa khi người đàn bà đó mua được vé nhưng lại là tấm vé không chắc chắn, tấm vé của chuyến bay đặc biệt. Chuyến bay có thể có, có thể không và thậm chí ngay cả khi có chuyến bay đặc biệt ấy thì cũng chưa chắc còn chỗ trống cho người đàn bà và một người đi cùng bà. Tình cảnh dường như càng đẩy thân phận người đàn bà đến đỉnh điểm của sự éo le. Một mặt, việc mua được vé đã là một sự may mắn ngoài mong đợi của bà, mặt khác, nó lại càng tăng thêm sự lo âu, hồi hộp, sợ hãi. Vì rằng, thà như không có vé, không mua được vé, có thể người đàn bà cũng đành chấp nhận không thể ra đi vào ngày mai. Có thể bà cũng đành phải chấp nhận không thể thực hiện được cái việc rất quan trọng nào đó đã khiến bà phải nhất quyết trở về Sài Gòn vào ngày mai. Có thể bà sẽ đau khổ nhưng một khi đã không thể thì con người rốt cuộc cũng đành phải chấp nhận mà thôi. Thế nhưng, chính việc mua được vé, lại là tấm vé may rủi càng khiến cho người đàn bà nửa mừng nửa lo, và tất nhiên nỗi lo lắng, hoang mang vẫn là thứ tâm trạng bủa vây lấy nội tâm con người ấy.

Tình huống mua vé máy bay chuyến đặc biệt – chuyến bay may rủi của người đàn bà giống như nói lên một quy luật tất yếu của cuộc sống. Không có gì là chắc chắn. Không phải chuyện gì con người cũng có thể kiểm soát được và làm chủ được trên cuộc đời này cả. Tất cả dường như tuân theo định mệnh. Đó là định mệnh khắc nghiệt và éo le.

Câu chuyện về người đàn bà bí ẩn tiếp tục với buổi sáng hôm sau khi nàng thức dậy ở nhà trọ và điều đầu tiên diễn ra trong tâm trí của người đàn bà ấy vẫn là một tâm trạng lo sợ và hoang mang: “Đột nhiên sợ hãi, hoang mang, nàng nhắm mắt lại như khi đang ngủ. Mở mắt và nhắm lại, cảm tưởng về mọi sự vật xung quanh cũng không hề thay đổi. Tất cả đều mang nỗi gì vắng vẻ, hoang vu đến rợn người, đến thèm cất lên một tiếng kêu cầu cứu với người đời cách vắng trên kia xa tắp”. Đọc đến những dòng chữ này, người đọc bắt đầu có linh cảm hình như người đàn bà đang bị một tổn thương tâm lý rất nặng nề. Một biến cố đau lòng nào đó đã giáng xuống cuộc đời bà và để lại một chấn thương nặng nề về tinh thần khiến cho bà lúc nào cũng hoang mang, lo lắng. Trong một thoáng buổi sáng sớm ngắn ngủi ấy, tâm trạng của người đàn bà liên tục lo lắng và sợ hãi. Trong một đoạn văn ngắn, nhiều lần ta thấy người đàn bà nhắc đến nỗi sợ hãi:

- “Châm ngọn đèn chong cho em.

- Em không thích nằm tối với nhau à?

- Lờ mờ một chút thì được, tối quá, em sợ.

- Gì?

- Lúc này, sợ tất cả mọi thứ.”

Rồi ngay sau đó:

- “Rửa mặt cho tỉnh táo, rồi vào với em. Em còn buồn ngủ không?

- Không, nói chuyện gì đi anh, đừng im, em sợ.”

Có thể nói nỗi sợ hãi là một trong những dấu hiệu hiện sinh đậm nét nhất trong tác phẩm. Nỗi lo âu, run sợ hoang mang của người đàn bà tiếp tục được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt tác phẩm.

Tâm trạng người đàn bà càng trở nên căng thẳng hơn, vì lo lắng, vì bồn chồn, vì không biết ngày hôm nay có chuyến bay đặc biệt hay không và quan trọng hơn nữa là liệu có hành khách nào bỏ vé để cho bà có chỗ hay không. Suốt một ngày ngồi đợi ở bến xe và ra đến sân bay, người đàn bà liên tục chìm đắm trong những suy tư lo lắng và gần như điên dại. “Nhưng nàng muốn nói, muốn khuấy động sự im lặng, muốn xác nhận với chính mình với nhau, những điều thỉnh thoảng lại lung linh chao chọng bởi một thoáng lo âu nặng trĩu vất vưởng, tưởng là mơ hồ không một lý do, nhưng có thực, bền vững, như một trái núi đè lên miền đồng bằng còn xanh xao chút hy vọng mùa màng”. Bất cứ khi nào, bất cứ nhìn thấy một sự việc gì, tâm trí của người đàn bà ngay lập tức suy nghĩ về thân phân của mình, về chuyến đi, về lẽ sống và lẽ chết: “Khói thuốc u nhã, trang trọng, dịu dàng bình thản vươn lên, nửa u uất đìu hiu, nửa mênh mang khoan hoà, thở lại nhịp đời tưởng đã bình yên đầm ấm vẹn toàn năm tháng. Có đâu ngờ hoạn nạn tiếp tai ương. Có đâu biết gian nan sau điên đảo. Có đâu ngờ sự lặng lẽ không cùng của một thái độ là sóng gió quay cuồng của một đời người chưa dứt oan khiên.” Hoạn nạn, tai ương, oan khiên, tất cả những hình ảnh đó cứ hiện lên trong tâm trí người đàn bà. Nhưng hoạn nạn gì? Tai ương gì thì tuyệt nhiên người đọc chưa thể biết được. Đó cũng chính là lí do làm cho tâm trạng của người đọc cũng cảm thấy căng thẳng, lo âu, thương cảm với nhân vật người đàn bà. Những lo lắng về chuyến bay không thể nào dứt ra được trong suốt thời gian hai vợ chồng vật vã chờ đợi. Chính cách tác giả cứ lặp đi lặp lại tâm trạng lo lắng chuyến bay bất thành của người đàn bà đã mang đến cho người đọc cảm nhận được nỗi lo âu, sợ hãi là thứ bao trùm trong tâm trí con người. Nó luôn luôn hiện hữu trong đời sống con người và con người dường như chẳng thể nào có một giây phút nào đó có thể chấm dứt được, tạm dừng được những lo âu, sợ hãi. Đây cũng chính là những tư tưởng của các nhà Hiện sinh chủ nghĩa.

2. Quan niệm cuộc đời con người như một chuyến đi bất tận

Việc đặt hai nhân vật vào một tình huống phải chờ đợi chuyến bay trong suốt một ngày, và mặt khác đó lại là một chuyến bay có thể không xảy ra và cũng rất có thể họ không có chỗ trên chuyến bay đó thực sự đã làm căng thẳng thêm tâm trạng của nhân vật, đặc biệt là tâm trạng lo âu, hoảng sợ của người đàn bà. Trong suốt một ngày, cứ mỗi lần một chuyến bay đến rồi lại đi và vẫn chưa đến chuyến bay đặc biệt là một lần người đàn bà lại hồi hộp, thấp thỏm, chìm đắm trong những suy tư đau khổ, cùng cực. Ta nhận thấy trong tâm trạng của người đàn bà dường như còn nảy sinh tư tưởng đã sẵn sàng chấp nhận những điều tồi tệ nhất từ chuyến đi này. Ta cũng nhận thấy, hai vợ chồng người đàn bà đã chuẩn bị để đánh đổi tất cả cho chuyến đi. Chấp nhận rủi ro, chấp nhận kết cục có thể tồi tệ để cuối cùng họ được ở bên nhau không bị chia cắt, không bị rời xa. Tình huống này cũng thể hiện những tư tưởng của người phụ nữ về cuộc sống. Theo đó qua những suy tư, của người đàn bà, tác giả muốn thể hiện tư tưởng rằng cuộc sống này là tù ngục và con người dường như không có cách nào có thể nắm giữ được vận mệnh cuộc đời mình. Con người chỉ có thể tìm cách giành giật, thậm chí là “đánh cướp” cuộc đời của chính mình trước sự nghiệt ngã của định mệnh. Thế nên, ngay đến khi hai vợ chồng đã về đến nhà, đã gần như cảm thấy bình yên hơn, an tâm hơn, ấm cúng hơn thì ở đấy vẫn còn những nỗi lo sợ chưa dứt: “Nhưng nàng lại nghe, vẫn văng vẳng, xa xăm, trong tiếng chuông mõ chập chùng siêu thoát cõi nào cao khiết ngoài đời, tiếng nói mình, van lơn như âm hưởng kinh cầu trùng điệp, đã trở về, đã đến nhà, nhưng còn từ đây, nhưng ngày mai, cuộc phấn đấu gian nan vẫn còn kéo dài, căng thẳng, lặng lẽ…”

Rõ ràng, tư tưởng cuộc đời là một chuyến hành hương được thể hiện rất đậm nét trong tác phẩm. Cũng chỉ với cách lý giải này, ta mới hiểu được những lý do về sự đau buồn, lo lắng của người đàn bà. Qua những chờ đợi, lo âu của người đàn bà ta mới cảm nhận được cái tư tưởng “đi để sinh tồn”, đi để sống… họ phải đi ngay, đi bất cứ lúc nào có thể. Nếu cuộc sống dừng lại thì đó là một cuộc sống ngục tù. Với thân phận của hai kẻ đang chạy trốn khỏi chiến tranh, thì cái khát khao được ra đi và đi ngay càng được khắc họa rõ nét và trở thành mục đích sống còn, động lực thôi thúc họ bằng mọi giá phải ra đi.

Ngay từ lúc đi mua vé tại sân bay, người đàn bà đã cho thấy một ý chí, một quyết tâm ra đi mãnh liệt. Khi nhân viên quầy vé báo không còn vé, bà đã rất lo lắng và đau khổ: “Mai bà tới sớm, tôi sẽ dành cho vé ngày kia. Người đàn bà nghe ngực như khô đi, hơi thở đứt cụt. Hai tay nàng chuồi trên mặt quầy nhão ra như nến lụn.”

Ngay ở chỗ này người đọc đã cảm nhận thấy chuyến đi là vô cùng cần thiết đối với người đàn bà. Cách diễn tả của tác giả cho ta thấy, người đàn bà coi chuyến đi như một lẽ sống còn và không thể nào chậm trễ: “Có vé hay không có vé. Sống hay chết. Ra đi. Hay ở lại. Ngày mai, ngày kia, ngày mai. Ngày mai thôi. Không thể và không còn bất cứ một ngày nào khác trong suốt đời còn lại.”

Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến đi, tác giả còn để cho nhân vật người đàn bà diễn tả điều đó với nhân viên quầy vé một cách đầy nghiêm trọng và đáng thương: “Tôi hỏi cô, nếu một người thân trong gia đình, đã hấp hối, chờ cô về gặp mặt lần chót, từng phút, từng phút, liệu cô có cần vé sớm như tôi không?” Sự thật thì đây chỉ là một lời nói dối của người đàn bà để chạm đến lòng trắc ẩn của cô nhân viên quầy vé. Bởi vì, trong suốt tác phẩm, ta không hề thấy sự việc mà bà đã nói đó là có người nhà hấp hối đang chờ. Chính vì thế, ta càng cảm nhận rõ hơn tư tưởng “ra đi là sống” mà tác giả muốn thể hiện trong tác phẩm.

Phần lớn dung lượng của tác phẩm dành để diễn tả cảnh hai vợ chồng người đàn bà ngồi đợi máy bay ở bến xe và sân bay. Chính những địa điểm này cũng đã trở thành biểu tượng của tư tưởng xuất hành. Tuy nhiên, ta càng thấy rõ hơn tư tưởng phải ra đi qua quá trình diễn biến tâm lý của người đàn bà trong lúc chờ đợi máy bay. Theo đó, xuyên suốt cả một ngày dài chờ đợi, người đàn bà chỉ suy nghĩ, lo lắng về chuyến đi có thể thực hiện được hay không. Mỗi lần có máy bay hạ cánh hay chuẩn bị cất cánh, bà ta lại thấp thỏm chờ đợi, lại hi vọng và khi đó chưa phải là chuyến bay của mình bà ta lại rơi vào lo lắng và đôi khi là đau khổ tuyệt vọng. Cách tác giả xây dựng tình huống đợi máy bay cho đến phút cuối cùng của ngày làm việc, và để cho hai vợ chồng đi chuyến đi muộn nhất càng bộc lộ rõ khát khao ra đi và nỗi lo lắng chuyến đi bất thành của người đàn bà lên đến đỉnh điểm.

Như vậy, qua phân tích chúng tôi nhận thấy, tư tưởng cuộc đời là những chuyến đi bất tận được khắc họa rất đậm nét trong tác phẩm. Có thể nói đây là tư tưởng cốt lõi trong tác phẩm và cũng là tiền đề để triển khai tư tưởng hiện sinh khác như nỗi lo âu, hay sự phi lý, vô nghĩa của cuộc đời.

3. Cõi đời phi lý

Trước hết, khi đọc hết cả cuốn tiểu thuyết này ai lại không thắc mắc về sự không thống nhất giữa tên tác phẩm với nội dung của tác phẩm. Bởi vì, tên tác phẩm là “Cuộc tình trong ngục thất”, thế nhưng trong cả tác phẩm người đọc chẳng thấy một cuộc tình nào, và cũng chẳng thấy có một cái gì được gọi là ngục thất. Theo lẽ thường, khi đọc đến tiêu đề tác phẩm, có lẽ ai cũng nghĩ rằng tác phẩm sẽ nói về một bi kịch tình yêu nơi chốn ngục tù nào đấy. Thế nhưng xuyên suốt tác phẩm chỉ là những trạng thái lo âu, hoang mang, đau khổ, tuyệt vọng, bế tắc của người đàn bà trong cuộc trốn chạy của hai vợ chồng từ quê hương của họ về chính nơi sinh sống của họ ở Sài Gòn. Cách đặt tiêu đề của tác giả làm chúng ta liên tưởng đến một vở kịch nổi tiếng “Nữ ca sĩ hói đầu” của nhà văn người Pháp Eugène Ionesco. Mặc dù tên của vở kịch là như vậy nhưng trong vở kịch ấy ta chẳng thấy có nhân vật nào là ca sĩ và tuyệt nhiên cũng không có một nhân vật nào hói đầu. Qua đó, ta thấy rằng, một trong những tư tưởng của chủ nghĩa hiện sinh là chỉ ra những điều phi lý trong cuộc sống con người. Các nhà hiện sinh cho rằng, cuộc sống của con người bị bao trùm bởi vô số những điều phi lý, những việc làm phi lý, những sự việc phi lý và đôi khi là vô nghĩa. Trong các sáng tác của Albert Camus như “Người xa lạ”, hay “Dịch hạch”, ta cũng bắt gặp những tư tưởng này.

Trở lại với tiểu thuyết “Cuộc tình trong ngục thất” của Nguyễn Thị Hoàng, ngoài chi tiết sự bất nhất giữa tiêu đề và nội dung tác phẩm, chúng ta còn nhận thấy có nhiều chi tiết phi lý được tác giả thể hiện. Tất nhiên, cũng có thể có người cho rằng trong tác phẩm này có một cuộc tình đó là cuộc tình giữa hai vợ chồng người đàn bà. Tình yêu giữa họ đã giúp họ tìm về với nhau và đồng lòng chạy trốn để có thể được ở cùng nhau. Tuy nhiên, ta phải xét lại ý nghĩa của từ “cuộc tình”. Theo cách hiểu thông thường, từ “cuộc tình” dùng để chỉ hai người trẻ đang yêu nhau, có nghĩa là họ chưa đi đến hôn nhân. Thậm chí cũng có thể có ý kiến cho rằng, trong tác phẩm này cũng có một ngục thất, đó chính là trần gian, là cuộc đời vì thực sự thì trong tác phẩm nhiều lần người đàn bà có suy nghĩ đến ngục thất, đến địa ngục. Dẫu chúng ta chấp nhận những điều ấy thì trên bình diện hiển ngôn của văn bản giữa tiêu đề của tác phẩm và nội dung của tác phẩm ta cũng không thể phủ nhận được yếu tố phi lý đó.

Ngoài chi tiết trên chúng tôi còn nhận thấy một số chi tiết khác trong tác phẩm cũng có dấu hiệu của sự phi lý. Khi người đàn bà đến hãng hàng không lần đầu, bà lo sợ sẽ gặp người quen nhưng sau đó bà lại cho rằng sẽ chẳng có người quen nào cả: “Mong ước mỗi một điều thật là đơn giản, đừng bắt gặp một người quen nào cả. Sự mong ước cũng thừa, vì nàng đang tới, đang qua một vùng hoàn toàn xa lạ, cách biệt. Sẽ không có một người quen nào, từ xa tới, hoặc từ tuổi nhỏ tìm về nhận diện hỏi thăm.”. Rõ ràng, ở đây, người đàn bà đã khẳng định bà đang đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Thế nhưng, đọc trong tác phẩm ta nhận ra rằng, chính nơi đây là quê hương của bà: “Này ông bạn, này mọi người, này thành phố, tôi sinh trưởng ở đây, tôi khôn lớn ở đây, tôi học hành vui chơi ngày tháng ở đây. Rồi ra đi rồi lớn khôn rồi thành công và thất bại theo những tiếng gọi vang lừng phía chân trời. Bây giờ hai chân trên thành phố cũ. Bây giờ hai tay ôm buổi chiều tăm tối cũ. Bây giờ con mắt buồn thiu mở xuống phía dòng sông cũ”. Và ở một đoạn khác, người đàn bà lại tiếp tục hồi tưởng về quá khứ tuổi thơ của mình tại cái nơi hiện tại vợ chồng bà đang ở trọ và sắp sửa rời đi: “Nàng nhìn ra ngoài. Xe đang qua con đường trước trường học cũ. Hỡi ngói nâu. Hỡi tường hồng. Hỡi phượng thầm ngày xưa. Im lìm bốn bề mưa rung cửa kín. Nàng nói một mình trong ý nghĩ. Giờ này, em đang ngồi trong lớp học kia, hai tay khoanh trước bàn, hai chân loay hoay dưới đất, nền xi-măng mát lạnh những sáng mưa thật sớm. Hai mắt thỉnh thoảng liếc chừng phía giảng bài, rồi lại mông lung ngó ra ngoài cửa”. Như vậy, ta thật không dễ để lý giải được tại sao trong suy nghĩ của người đàn bà lại có những ý nghĩ bất nhất như vậy. Tại sao bà lại khẳng định bà đang đến một nơi xa lạ trong khi đó vốn dĩ là một nơi thân thương đối với bà? Phải chăng, ở đây tác giả muốn thể hiện tư tưởng về con người xa lạ như trong một số tác phẩm văn học hiện sinh phương Tây thời bấy giờ “Người xa lạ” của Albert Camus. Phải chăng, tác giả muốn thể hiện tư tưởng về thân phận của con người giữa cuộc đời này là cô đơn lạc lõng và xa lạ với tất cả. “Vậy mà ta ngồi đây, co ro, cô đơn, cô đơn cùng cực, cô đơn của cả hai người nhập lại làm mặt trận còn xót xa và lạnh lẽo gấp trăm nghìn lần cô đơn của một người chưa hệ luỵ, chưa san sẻ đời, chưa ghép trao tìm. Ta ngồi đây, hai tay thong dong, thân thể vẹn toàn, đầu óc tỉnh táo, thời gian thênh thang, tiền bạc còn thừa, nhưng ta ngồi đây, trông ngóng từng phút từng giờ một người tài xế tiểu tốt vô danh, trông chờ từng phút từng giờ một chuyến xe đưa đẩy kiếp người từ biên cương cõi chết về bến bờ an toàn của đời người còn rạng rỡ hoan mê. Ta ngồi đây, xin tạ ơn đời, xin khẩn cầu trời, một chút may mắn cuối cùng, một chút gió đưa cuối cùng, cho mũi tên cuối cùng đừng chếch hướng bay.”

Và cuối cùng, ngay chuyến đi của hai vợ chồng người đàn bà mà họ coi đó là cơ hội duy nhất, là lối thoát duy nhất và không thể có lần thứ hai thì chúng ta cũng thấy rằng thực sự chẳng có bất cứ một thông tin, một nguyên cớ rõ ràng nào bắt buộc họ phải đi ngay trong ngày hôm đó bằng mọi giá. Cho dù chúng ta có thể lấy lý do rằng, người đàn ông đang trốn chạy khỏi đơn vị, đang trốn chạy khỏi chiến tranh và có thể đang bị truy lùng thì ngay cả việc họ trốn về Sài Gòn là nhà của họ thì cũng không phải là một nơi sẽ giúp cho người đàn ông không bị bắt trở lại đơn vị. Và như vậy, rõ ràng chuyến bay của hai vợ chồng không nhất thiết phải gấp gáp phải quyết tâm bằng mọi giá và sẵn sàng đánh đổi tất cả để được đi như vậy. Ngay chính người đàn bà cũng nhiều lần suy nghĩ rằng dường như cuộc chạy trốn của họ là cuộc chạy chốn trong vô vọng, vô nghĩa và cùng lắm cũng chỉ là giải pháp tạm thời, liều lĩnh để hai người thêm nhiều thời gian bên nhau mà thôi.

Tiểu thuyết “Cuộc tình trong ngục thất” của Nguyễn Thị Hoàng là một tác phẩm mang đậm màu sắc hiện sinh. Trong tác phẩm này, ngoài những dấu hiệu về chủ nghĩa hiện sinh mà chúng tôi đã trình bày ở trên, cũng còn một số những biểu hiện khác nữa như: sự vô nghĩa của của kiếp người, của cuộc đời; sự cô đơn lạc lõng. Đặc biệt ta cũng có thể nhận thấy ở tác phẩm này một trong những tư tưởng hiện sinh phổ biến trong văn học phương Tây đó là “lý trí luôn bất lực, bế tắc khi khám phá chiều sâu tâm hồn con người”. Và cuối cùng, chúng tôi cũng thấy rằng cuộc trốn chạy, chuyến ra đi của vợ chồng người đàn bà là để khẳng định một tư tưởng quan trọng và phổ biến của chủ nghĩa hiện sinh, đó là khẳng định ý nghĩa của “sự hiện sinh” của con người. Cũng từ đây, ta hiểu được rằng tác phẩm còn thể hiện khát khao được sống và được sống bình yên, hạnh phúc, được thoát ra khỏi những vũng lầy đau thương của của cuộc đời. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Vũ Thị Lệ Duyên