Nam Cao - Người khơi những nguồn chưa ai khơi,
sáng tạo những gì chưa ai có.

Tôi không nghĩ mọi vấn đề đặt ra cho sự nghiệp nghiên cứu của Nam Cao đã được khai thác hết dù ở thời điểm nào.Tôi muốn chia sẻ một cái nhìn về Nam Cao qua thế giới nhân vật người trí thức, nhà giáo, nhà văn. Đặc biệt qua thiên tiểu thuyết  Sống mòn.

Theo tôi Nam Cao là người suy nghĩ rất nghiêm chỉnh và cẩn trọng về nghề. Chín chắn ngay khi vào nghề nên không phải ngẫu nhiên Nam Cao đã nhanh chóng đến với chủ nghĩa hiện thực, một chủ nghĩa hiện thực trong cảnh dồn nén của văn học Việt Nam hướng vào quỹ đạo hiện đại theo quy luật gia tốc của lịch sử. Có thể nói Nam Cao  yêu nghề, mải mê vì nghề, hy sinh mọi thứ vì nghề tuy không đặt  nghề viết cao hơn mọi nghề: “ Tạng người y không cho y cầm súng cầm gươm, y sẽ cầm bút mà chiến đấu".  Đó cũng là ý nghĩ trong một lúc bốc hứng lên của Thứ - ông giáo thất nghiệp trong Sống mòn. Còn với  Điền với Hộ những nhà văn quen thuộc trong các truyện ngắn khác của Nam Cao thì viết văn lắm khi cũng là để có tiền nuôi vợ con. Cả một đời lầm lụi với cái nợ viết lách trong một cái chợ văn láo nháo hồi tiền cách mạng Nam Cao  hẳn chưa lúc nào nghĩ đến danh thơm, đến  tên tuổi nhưng rồi công chúng, độc giả và lịch sử đã làm cái việc cần làm của nó là trả lại công bằng cho nhà văn- thuộc vào số ít gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỉ XX. Tất cả những Điền, Thứ, Hộ rồi những “gã”, “hắn” “ y ” được Nam Cao đưa vào truyện như là tự truyện về mình,  như là tấm gương cho chính cuộc đời mình. Thế mà rồi không chỉ một lớp người, một thời có thể vận vào. Cho đến nay không biết bao tầng lớp, bao thế hệ vẫn thấy bóng dáng của mình trên từng trang văn Nam Cao, trong số phận những anh viết văn, những ông giáo khổ trường tư, những cặp vợ chồng nghèo, những bạn láng giềng cùng những người thân kẻ sơ không ngớt vật lộn với cái sự sống mòn và  chết mòn muôn thủa trong cảnh sống tinh thần và vật chất của con người. Hỡi ôi! Con người từ lương thiện trở thành tàn ác không dễ, nhưng từ ác trở thành người lương thiện khó hơn nhiều. Giữa phá và xây cái nào dễ hơn tưởng ai cũng rõ. Đối với sự tồn tại của một xã hội điều quan trọng là hãy rào chắn đừng cho  cái ác nảy  nở đỡ tốn kém và có triển vọng hơn nhiều so với việc gieo trồng trên sa mạc hoặc đất đai đã thoái hoá.

Có người nói "Nam Cao đã biến mình thành kẹp chả dưới tay mình rồi  tự đem quạt dưới than hồng".  Đúng vậy! Nam Cao đã mang vào tác phẩm hình ảnh của chính mình với niềm rung động sâu sắc. Đó cũng là hình ảnh thực của người trí thức tiểu tư sản  nghèo được Nam Cao vạch ra với tất cả những thói xấu không chút nhân nhượng nhưng đầy cảm thông. Sống mòn là một thiên tiểu thuyết tâm lý dường như  không có những xung đột và kịch tính bên ngoài nhưng những con người trong đó rõ nét và đầy ám ảnh. Ám ảnh vì cái phần hiện thực, phần đời của một quần thể người chứ không riêng gì giới trí thức nghèo và càng ám ảnh bởi các phần đời lắng lại mà có sức dự báo, rọi xa  đến thế.

Nói đến Nam Cao, nghĩ về “Sống mòn” tôi không thể quên được hình ảnh nhà giáo Thứ lủng củng hòm xiểng ra xe chạy về quê trong tiếng  còi báo động u u rền rĩ bầu trời ngoại ô Hà Nội. Chính ở cái thời khắc đó là sự đồng hiện, sự tái hiện gần như toàn bộ cuộc đời Thứ cũng như là toàn bộ nội dung Sống mòn.

Y nhìn lại đằng sau, Hà Nội lùi dần, lùi dần như muốn bỏ  y, cuộc đời y cũng lùi dần. Biết bao nhiêu là ước vọng cao xa mong làm một ông phán tầm thường mắt cận thị và lung gù tháng tháng lĩnh lương... thế nhưng, nay mai mới thật buồn, y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ rỉ đi sẽ mòn, sẽ mục ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y cũng sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống”.  Nếu quan niệm sống là phải có tâm hồn phong phú, ước mơ cao đẹp, có lòng nhân ái bao la, phải biết lao động tự giác vì lợi ích chung, phải có nhân cách và biết tự trọng thì  nhiều nhân vật  trong Sống mòn  đã “chết ngay khi đang sống”. Sống mòn nguyên tên là “chết mòn”,  cùng một ý nghĩa đó thôi  nhưng đã tạo  nên một chủ đề có màu sắc triết lý rất Nam Cao. Tôi muốn nói về sức chứa và sức mở của những điển hình kiểu Nam Cao. “Sống mòn” cũng là “ Chết mòn”.  Hai động từ “sống” và “chết” có ý nghĩa trái ngược nhau, loại trừ nhau, nhưng khi đứng bên chữ “mòn” lại bổ sung cho nhau. Riêng tên truyện đã thể hiện biệt tài của Nam Cao. Chết mà chưa sống hoặc sống cũng như chết hay chỉ cần thâu tóm “Sống mòn" thế là đủ bao chứa, đủ để ta hình dung, không chỉ những Thứ, Điền, Hộ những Đích, San, Oanh mà còn cho biết bao người trong dòng đời tuôn chảy, vượt lên mọi không gian, thể chế chính trị.

1. Giá trị Sống mòn không chỉ dừng lại ở việc tái hiện một bức tranh chân thực về cuộc sống nghèo khổ tủi nhục, bế tắc của một lớp người trí thức đáng thương mà còn tập trung đi vào bi kịch “chết mòn” về tâm hồn con người trong cái xã hội không cho con người sống, có ý thức về sự sống  mà không được sống, bị nhấn chìm trong cảnh “chết mòn” không cưỡng lại được. Nam Cao đã nhìn thẳng vào sự thật và nói lên được sự han gỉ tâm hồn của lớp người trí thức TTS, đó là một cách nhìn sâu sắc và dũng cảm. Nhà văn dám can đảm nhìn sâu vào mình vào tầng lớp mình để phân tích và không ngần ngại khi nói lên sự thật.

Nhà giáo Thứ từng khao khát một cuộc sống hữu ích cao cả, anh có quan niệm khá sâu, đúng đắn về  ý nghĩa cuộc sống chân chính: “Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công việc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại chút gì cho nhân loại".  Nhưng đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn vươn cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất. Cuộc đời khốn nạn cứ bắt Thứ phải sống “Cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoại cái việc kiếm thức ăn đổ vào dạ dày". Một lối sống mà Thứ hết sức khinh ghét. Thứ từng khao khát một cuộc sống rộng lớn, luôn đổi mới, nhưng cuộc đời đã giễu cợt giấc mộng giang hồ của Thứ và bắt Thứ kéo lê cuộc sống đơn điệu mòn mỏi tù đọng ở một xó ngoại ô dở tỉnh dở quê, ngày tháng trôi đi “Bình lặng và vô sự”" không có hi vọng gì đổi thay. Ban đầu, Thứ dạy học rất tận tâm và tự hào với ý nghĩa công việc của mình. Nhưng chẳng bao lâu Thứ đã chán ghét. Lao động của Thứ chẳng phải là một niềm vui trong đó con người được phát triển tốt đẹp mà là bị bóc lột, trở thành khổ sai, con người bị kiệt sức, thui chột đi, ý nghĩa của lao động không còn nữa, chăm chỉ tận tâm trở nên vô nghĩa. Thứ mong muốn giữa người với người có sự cảm thông yêu thương. Anh muốn trân trọng mọi người và có ý thức giữ gìn nhân phẩm của mình. Nhưng chất độc ở ngay trong sự sống “ thấm vào máu từng người và mối quan hệ giữa con người, vùi dập những gì tốt đẹp và kích thích những gì nhỏ nhen xấu xa trong con người". Những điều mà trước đây Thứ cho là ti tiện nhỏ nhen vô nghĩa lý thì bây giờ Thứ cũng không tránh khỏi “Những bữa ăn họ cãi nhau  toang toang  như họp  làng. Họ (Thứ, San, Oanh) tính toán chi li từng hào, độ bốn hào với sáu xu, già sáu xu gì đó ”. Rồi chuyện San quả quyết  với sự phụ hoạ của Thứ,  Oanh ăn ít để mọi người ngượng không ăn thêm, nào là chuyện Thứ và San tráng lại đĩa đậu phụ để trêu tức Oanh. Dù có muốn quân tử cao đạo đứng trên mọi thứ vặt vãnh tầm thường của cuộc đời cũng chẳng được. Những điều nhỏ nhen ti tiện đó xảy ra như một cái gì quen thuộc. Nó ngấm dần vào Thứ một cách tự nhiên, làm Thứ nhiều lúc cũng nhỏ nhen như San và Oanh, những kẻ mà Thứ vẫn khinh. “Nghe tin Đích ốm nặng Thứ thầm mong cho Đích chết và ngay lúc ấy Thứ đã khóc, khóc cho cái chết của tâm hồn y ”. Cả cuốn Sống mòn là tiếng khóc lặng lẽ mà đau đớn về cái chết của tâm hồn như vậy. Với  những mẩu chuyện tầm thường trong sinh hoạt hàng ngày Nam Cao đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa lớn lao sâu sắc. Sống mòn dõng dạc kết án cái xã hội  khốn nạn đã bóp nát mọi ước mơ, mọi khả năng tiềm tàng và mọi cái tốt đẹp trong con người, đã tàn phá tâm hồn, giết chết sự sống. Từ chiều sâu tác phẩm toát lên tiếng kêu khẩn thiết đau xót: Phải cứu lấy con người, cứu lấy sự sống.

2. Trong khi phê phán cái xã hội đẩy con người vào cảnh “sống mòn” ngòi bút sắc sảo của Nam Cao đã phơi ra ánh sáng những lối sống mòn đáng thương mà đáng sợ không xứng đáng với cuộc sống con người. Bộ mặt tinh thần của mấy thầy giáo cô giáo trong “Sống mòn” thật buồn tẻ thảm hại. Họ sống chen chúc trong một không khí tù đọng bụi bặm ẩm mốc. Trái tim họ đập một nhịp đều đều mệt mỏi hết cả mọi ước mơ. Họ chỉ mong có miếng ăn và được yên thân. Tuy không bằng lòng với hiện thực nhưng họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ điệu “Sống mòn” tội nghiệp của họ. Các thầy cô giáo ngày nay liệu có thấy bóng dáng mình trong đó?

San sống buông xuôi, nước chảy bèo trôi, không hề có cái giằng xé quằn quại để vượt ra khỏi vũng bùn dung tục đê tiện của  “sống mòn”,  luôn thèm khát những thú vui vật chất, chẳng có một ước mơ gì cao xa. San là một tiêu biểu của lối sống mòn. Oanh lại sống mòn theo kiểu khác. ở người đàn bà “gày đét, cứng nhắc và khô"  này tình cảm, tâm hồn con người bị vắt kiệt để chỉ còn những tính toán ích kỉ nhỏ nhen, keo kiệt đến độc ác. Trong cái xã hội mà ý nghĩa và giá trị sống bị tước đoạt ấy tình trạng “sống mòn rất phổ biến” nhìn quanh đầy rẫy những “lối sống vô lý” và những "lối sống mòn". Cuộc sống của ông  Học là một ví dụ. Ngày nào cũng như ngày nào ông dậy sớm chẻ củi, xay đậu… “ Như một cái máy” cả đời ông chỉ có hai niềm vui gần như say mê: "Ăn mía lau và thổi kèn tàu”  Tâm hồn ông có cái hồn nhiên đơn giản đền nghèo nàn thô kệch, mù tối. Theo Thứ sống như vậy chưa phải là sống “Yên thân như vậy để làm gì? Làm để có ăn, ăn để sống, sống để đợi chết.. cả cuộc đời chỉ thu gọn vào bằng ấy việc thôi ư? Và có sung sướng gì cái kẻ suốt đời chỉ biết chúi mũi vào cái cối xay bột, chẳng bao giờ dám nhìn xa hơn một chút, thu hẹp cuộc sống và sự hiểu biết của mình vào trong cái phạm vi nhỏ hẹp của mảnh đất con con của mình!..."  Hình ảnh U em nhà ông Học “Lặng lẽ như một con ma ngồi vá áo bên ngọn đèn con" . Thứ có cảm tưởng như “ thị vá chỉ vì đêm dài quá không sao ngủ hết ".   Đây là hình ảnh có sức gợi rất nhiều cuộc sống tủi nhục buồn tẻ thầm lặng đến phát sợ.  Bên cạnh đó là lối sống tạm bợ ăn xổi ở thì của cặp vợ chồng anh xe thuê gian nhà lá: ồn ào, sôi nổi đấy nhưng cũng trống rỗng và vô vị ”.  Đó là thứ hạnh phúc rẻ tiền dung tục, nó đến nhanh và tàn cũng nhanh " còn nói gì đến cuộc sống triền miên trong đói rét tối tăm của những người nhà quê suốt đời “ dò dẫm, nhút nhát,  toàn những lo cùng lo” bị bao vây trong những thành kiến vô lý nhiều khi làm khổ mình và làm khổ những người xung quanh. Dường như trong các nhân loại u mê ấy chỉ có một người đang biết mình sống mòn nhưng sự giác ngộ của giáo Thứ cũng chỉ đủ để  anh ý thức được tình trạng bi kịch không lối thoát của mình mà thôi.Với một tâm hồn dịu dàng, nhạy cảm và đôi mắt sắc sảo tinh tế, Nam Cao đã phơi trần không che đậy lối "sống mòn” phổ biến và tuyên chiến với nó. Một mặt Nam Cao lên án nghiêm khắc cái xã hội đẩy con người vào  tình trạng giam hãm lâu đời trong cái khổ” trong sự tù túng dốt nát nên đã sống một lối sống “tối ư  vô lý không phải cuộc sống của con người" . Mặt khác  nhà văn đã thức tỉnh trong con người nỗi ghê sợ lối “sống mòn”  dung tục và niềm khát vọng một cuộc sống đẹp đẽ, ý nghĩa.

Toàn bộ thế giới truyện của Nam Cao là một nỗi đau khổ lớn về một nỗi khổ hiện ra trong rất nhiều dạng của con người, cũng là niềm khắc khoải lớn về nhu cầu phát triển của con người. Sống mòn không có nhân vật chính diện phản diện rõ ràng. Nếu có nhân vật phản diện thì đó là cuộc đời là toàn bộ cái xã hội tàn bạo đã gây nên cảnh “chết mòn” thê thảm của mọi nhân vật. Trên giường bệnh Đích rít lên trong cơn hấp hối " Đời! Ôi chao là đời” Thứ cũng hằn học “Cuộc sống, cuộc sống thật đã là một cái gì trói buộc và nặng nề quá sức". Những tiếng rên xiết toát lên từ chiều sâu bi thảm của số phận ấy lặp đi lặp lại như một nét nhạc buồn tạo nên âm hưởng chủ đạo của bài ca “Sống mòn” thê lương. Không trực tiếp phản ánh hiện thực trên bình diện đấu tranh giai cấp nhưng Nam Cao thấy rõ tình trạng bất công phổ biến trong xã hội đương thời “ Bao giờ và ở đâu thì cũng thế thôi.  Thằng nào đã chịu khổ quen rồi, thì cứ cố mà chịu mãi đi. Mà thường thường những kẻ ăn nhiều nhất, hưởng nhiều nhất chính là những kẻ không cần ăn một tí nào cả hoặc là không đáng hưởng một tí nào cả (…) vô lý quá". Thứ luôn nhận thấy trong “mối giao tiếp” tức là mối quan hệ giữa con người đầy rẫy những điều vô lý. Vấn đề không phải tại người này hay người kia mà là toàn bộ cái xã hội ấy phải thay đổi. Sống mòn toát lên cái yêu cầu cấp bách đòi phá tung trật tự khốn nạn đang thít chặt lấy số phận con người.

3. Sống mòn với thân phận, số phận người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Một bút pháp tự sự độc đáo, một chủ nghĩa hiện thực  tâm lý nghiêm ngặt, một cảm quan hiện thực nhìn từ sâu, nhìn từ trong, một khát vọng nhân văn được chiêm nghiệm đúc rút từ bản thân, từ gã, hắn, y, thị,… một khả năng khám phá và dự báo, một cách khái quát hiện thực giàu sức chứa và sức mở,  tất cả đã đem lại cho thiên tiểu thuyết may mắn còn  sót lại và cũng có một không hai này những giá trị có thể nói là ổn định và trường tồn. Không có cốt truyện gay cấn li kì, bối cảnh chuyện chỉ là sinh hoạt của mấy nhà giáo khổ trường tư. Cuốn tiểu thuyết đã tách ra một lối riêng giữa bao nhiêu kiểu dạng giống nhau và khác nhau, từ văn xuôi lãng mạn sang văn xuôi tả chân xã hội. Trong sự trung thành đến từng chi tiết của đời riêng và tràn ngập những chuyện đời tư, trong sự hội nhập  hai mặt tương phản của  "sống" và "chết", của sự sốngcái chết của chữ “mòn” đã nói được bao điều vừa tủm mủn vừa lớn lao của nhân thế. Bằng khả năng khách thể hoá chính bản thân mình trong đề tài trí thức tiểu tư sản, cho đến tận hôm nay những trang viết của Nam Cao vẫn được đón nhận . Nam Cao  chỉ tên gọi ấy đủ nói với ta về “sống mòn" và "chết mòn", Đời thừa  và "Nước mắt"  về  'Trăng sáng" và "Nửa đêm". Riêng mà chung,chuyện  một  vùng mà thành chuyện nhiều nơi, chuyện của một người mà thành chuyện nhiều người, chuyện của một thời mà thành mãi mãi.Tác phẩm  của Nam Cao là cả một trữ lượng bên trong, một kho dư đầy  và khắc khoải về giới giáo chức chúng ta, về con người xã hội.

Ngô Thanh Dung  (ĐHSP Hà Nội Phân hiệu tại  Hà Nam)