Colleen McCullough đến với văn học như để chứng minh cho chân lý Quý hồ tinh bất quý hồ đa trong văn chương nghệ thuật. Nghĩa là chỉ chú trọng chất lượng không quá quan trọng số lượng. Như con chim chỉ một lần duy nhất, hót lên và lịm đi. Một lần và mãi mãi. Đời văn của bà cũng vậy. Cũng chỉ chín một lần duy nhất với tác phẩm để đời The Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai). Dịch giả Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao tác phẩm này trong lời giới thiệu rằng Một tác phẩm văn học Mỹ thời nay, xa lạ với những cảnh hung bạo, với sex với phản nhân vật đưa bạn đọc trở về với những vấn đề nhà (theo nghĩa quê hương) cội nguồn, Cha và con mà lại được ham chuộng đến như thế ở phương tây thì điều đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta. [1, tr. 7] Và một trong những vấn đề muôn thuở ấy, trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai đó chính là: Sống - chết, yêu - hận và trả giá. Nó đẹp tuyệt vời trong đau đớn, nó khiến cả thế gian lặng đi lắng nghe và thượng đế trên thiên đình cũng phải mỉm cười.
Vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi cuốn sách được Trung Dũng dịch ra tiếng Việt, ở Sài Gòn, từ bản tiếng Pháp Les Oiseaux Qui Se Cachent Pour Mourir với tựa đề Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết thì ít lâu sau ở Hà Nội xuất bản bản dịch từ tiếng Nga của Phạm Mạnh Hùng, với tựa sách Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai, và ngay sau đó Đài truyền hình chiếu bộ phim này đến hai lần, nên có thể nói cả nước ai ai cũng biết đến bộ phim, ai ai cũng biết Cha Ralph và Meggie. Nhiều người cho rằng biểu tượng của con chim lao vào bụi gai chính là Meggie, nhưng cũng có người nói đó chính là Cha Ralph. Cư dân mạng cũng bàn tán xôn xao quanh đề tài tình yêu của hai nhân vật chính này. Biểu tượng của loài chim nghiêng hẳn về Meggie như lời khẳng định của Đỗ Lam trong bài viết của mình: ... giữa hai người thì Meggie mới đúng là hiện thân của loài chim thorn birds chứ không phải là Ralph - trong khi nhiều người hình như cứ có ấn tượng ngược lại , và Đàm Phương Thảo cũng có cùng nhận xét như Đỗ Lam Cô như loài chim kì lạ lao ngực mình vào bụi gai nhỏ máu, cất lên tiếng hát kinh ngạc đến cả Chúa trời.
Tuy nhiên, sau khi đọc tác phẩm, coi phim và tham khảo những bài bình luận trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi quyết định chọn tìm hiểu biểu tượng về loài chim chỉ hót một lần trong truyền thuyết, mà tác giả có ẩn ý gởi gắm trong cốt truyện, để thấy đâu là ý nghĩa thật của việc chọn biểu tượng qua nhân vật trong tác phẩm.
I. Giới thuyết về tác giả - tác phẩm
Tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai của nữ văn sĩ người Úc Colleen Mc Culough, được xuất bản năm 1977. Ít lâu sau nó được dịch ra bảy thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và được giới phê bình đánh giá cao. Suốt mấy năm liền, nó là tác phẩm hút hàng nhất ở phương Tây. Điều đó cũng là công bằng vì đây thực sự là một tác phẩm đặc sắc, có giá trị trong văn học phương Tây hiện nay.
Khi giới thiệu sách, Thạch Thảo đã gom những lời nhận xét đặc sắc: Một cuốn trường thiên tiểu thuyết và tất cả, đơn giản là tất cả, đã xảy ra... một cuốn sách hoàn hảo... Hấp dẫn... Đầy ấn tượng... Thú vị... Chỉ có thể gọi một cuốn sách như thế này bằng hai tiếng bom tấn. Nó khiến bạn không thể nào rời mắt cho đến chữ cuối cùng. - Địa cầu Boston
Cuốn tiểu thuyết bùng nổ với sự nhạy cảm mạnh mẽ đối với những xúc cảm của con người... tình yêu sâu thêm và tăng lên trong niềm vui cực độ vỡ òa với niềm hạnh phúc cùng nỗi đau. - Báo Pittsburgh
Những câu chuyện tình đan quyện từ thế hệ này sang thế hệ khác, cốt truyện đầy kịch tính, cảm giác căng thẳng không ngừng tăng, sự mô tả nhân vật xác đáng... hầu như không cưỡng lại được. - Nhà xuất bản Weekly
Tiếng chim hót trong bụi mận gai là một thiên anh hùng ca thương tâm về bạo lực, tình yêu, lòng mộ đạo, nguồn cội gia đình, niềm đam mê, nỗi đau, niềm hân hoan, bi kịch, hoa hồng và gai nhọn... nỗi đau vô hạn đủ cho mười đời... Tình tiết câu chuyện diễn ra theo một phong cách kỳ lạ đích thực gây ra bi kịch nhưng kết thúc có hậu - Chicago Tribune.
Nhưng ít ai biết rằng, thời điểm tác phẩm ra đời, viết văn chỉ là nghề tay trái của bà Colleen Mc Collough, không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng. Khi cuốn tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai đem lại vinh quang cho tác giả thì Colleen McCullough chỉ là một nhân viên y tế bình thường. Bà được sinh ra ở bang New South Wales (Australia) trong gia đình một công nhân xây dựng bình thường. Từ bé, bà mơ ước trở thành bác sĩ nhưng không có điều kiện để theo học trường đại học y. Bà đã thử làm một số nghề như: làm báo, công tác thư viện, dạy học rồi trở lại nghề y qua lớp đào tạo chuyên môn về sinh học thần kinh. Sau đó, bà làm việc tại các bệnh viện ở Sydney, London, Birmingham rồi sang Mỹ làm việc tại một trường y thuộc trường đại học Yale. Tiếng chim hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót bốn năm, rồi đầu mùa hè năm 1975, bà bắt tay vào viết một mạch trong mười tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai được viết dưới dạng truyện trường thiên (saga - tiểu thuyết dòng tộc), kể về những biến cố, những thịnh - suy của gia đình dòng họ Cleary trải dài hơn 50 năm. Những con người với những tính cách rất riêng đã làm nổi bật lên mối quan hệ giữa người với người, người với thiên nhiên. Trung tâm vẫn là câu chuyện tình vĩ đại trong sáng của Cha Ralph và Meggie. Tác phẩm thành công với bút pháp hiện thực và lãng mạn hòa lẫn vào nhau một cách nhuần nhị. Nhưng hơn hết là thành công trong việc xây dựng hệ thống nhân vật thông qua biểu tượng. Để từ đó, từng nhân vật hiện lên sống động, thật như chính bản tính thật của từng người.

II. Loài chim Thorn Birds - Từ biểu tượng đến nhân vật
2.1 Truyền thuyết về loài chim Thorn Birds
Ngay từ lời đề tựa, Colleen Mc Cullough đã viết: Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.[1, tr. 8]
Và trong đoạn kết, tác giả lại thêm: Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo qui luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế![tr. 666]
Nhìn ở bề mặt tác phẩm, tác giả kết cấu truyện theo lối đầu cuối tương ứng. Nếu ở phần đầu tác giả giới thiệu truyền thuyết về loài chim Thorn Birds, thì ở phần cuối tác giả nói đến quy luật tự nhiên của loài chim ấy và lồng vào đó triết lý nhân sinh của con người. Cách kết cấu vòng tròn này gợi cho người đọc hiểu được tác giả sắp xếp hệ thống nhân vật đặt cạnh nhau là có dụng ý riêng. Viết cảnh đầu chuẩn bị cho cảnh sau, các yếu tố tương tác với nhau đều làm rõ cho tác phẩm.
Tại sao con chim khi biết bay lại phải đi tìm bụi mận gai để làm tổ? Và tại sao nó lại chọn chiếc gai dài nhất, nhọn nhất để lao ngực mình vào và hót vang chỉ một lần trước khi chết? Có được bài ca để đời phải đổi bằng tính mạng, như vậy có đáng chăng?... Gợi lên những câu hỏi để tìm xem đâu là nhân vật chính, nhân vật trung tâm mà tác giả muốn mượn hình ảnh con chim làm biểu tượng?
2.2 Loài chim Thorn Birds - Từ biểu tượng đến nhân vật
2.2.1 Nhân vật Meggie Cleary
Meggie đúng là hiện thân của loài chim Thorn Birds. Cả cuộc đời là một bài ca. Bài hát của Thorn Birds hát trong đau đớn chính là bài hát duy nhất trong đời của nó. Nó không biết tại sao, sức mạnh gì buộc nó lao vào chiếc gai nhọn nhất, dài nhất và cũng không hiểu tại sao nó có thể chết mà vẫn hót vang bài ca mà cả thế gian lặng đi lắng nghe. Nhưng Meggie biết, Meggie hiểu. Meggie biết tình yêu không phải chỉ là vị ngọt, nó có cả vị mặn của nước mắt, vị cay của ghen tuông, vị chua của hiểu lầm, vị chát của cái tôi kiêu hãnh, và vị đắng của chia ly mà rất nhiều khi, cái vị ngọt ngào của hạnh phúc, trong cả cuộc yêu mình chỉ nếm được một lần. Nhưng cái gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Bởi vậy nên cứ lao ngực vào bụi mận gai, sẽ vắt kiệt sức mình vì tình yêu, dù biết nó có thể vô cùng đau đớn, để được nếm mật ngọt tình yêu - quà tặng vĩ đại của cuộc sống, hay đơn giản chỉ để biết rằng mình - đã - từng - yêu. Đó chính là bài ca đẹp nhất mà khiến cả thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười.[1, tr.8]
Meggie xuất hiện như một con chim lạc đàn trong một gia đình thiếu thốn sự quan tâm cố hữu. Một gia đình mà bài học vỡ lòng là không biết tự bảo vệ mình thì đừng hy vọng được ủng hộ và đồng tình, dù là một bé gái đi nữa [tr.11]. Một gia đình toàn là con trai và một bà mẹ gần như vô tâm vô cảm. Cô bé Meggie không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn nghèo về tình cảm. Vì thế, Cha Ralph là cả thế giới của em Bởi vì Cha là bạn của em, là thần tượng của em, là mặt trời mới trên vòm trời của em [tr.158]. Lần đầu tiên gặp em, Cha đi qua chỗ những thằng bé, đến ngồi xổm trước Meggie và đặt tay lên vai nó, tay Cha vững chắc, hiền từ và âu yếm [tr.86]. Sau đó, Cha đã tự tay sơn phòng cho em, tự tay bế em đi ngủ rồi cởi tất và bím tóc cho em. Cha đã lau nước mắt cho em khi người anh cả - Frank - bỏ đi sau những bất hòa âm ỉ với người bố dượng. Cha đã giải thích cho em những chuyển biến đánh dấu giai đoạn em trở thành người lớn (việc mà lẽ ra bà Fiona - mẹ của em - phải làm) Nhưng ra máu hàng tháng là dấu hiệu của sự trưởng thành (...) Ừ, đại loại là như thế. Chừng nào sự ra máu như thế còn tiếp tục thì con còn có thể sinh đẻ. Không thế thì loài người không kế tục giống nòi được. Trước khi mắc tội tổ tông, như có nói trong kinh thánh - Eva không thấy kinh. Cái đó gọi là thấy kinh. Nhưng khi Ađam và Eva sa vào tội lỗi, Chúa trời trừng phạt người nữ nghiêm khắc hơn người nam, vì sự sa ngã xảy ra thực sự là do lỗi của người nữ. Người nữ đã cám dỗ chồng. Con có nhớ trong kinh thánh viết thế nào không? Người sẽ phải chịu đau đớn khi sinh đẻ. Vậy là đối với người phụ nữ, tất cả những gì đi liền với sự sinh đẻ đều không tránh khỏi đau khổ. Đấy là niềm vui sướng cực kỳ lớn lao nhưng cũng là những đau khổ vô cùng... [tr.157] Và Cha cũng đã khiến cho tất cả hoa hồng ở trang trại Drogheda nở lộng lẫy mỗi khi ông ghé qua. Cha gắn với những gì thân mật, gần gũi nhất mà cũng xa vời nhất, bởi Cha là một Đức Cha và Meggie đã yêu ông. Yêu từ lúc còn là cô bé cho đến cuối đời, Cha Ralph luôn là người đàn ông duy nhất của đời cô. Con chim lao vào bụi mận gai bị gai nhọn đâm vào ngực, Meggie lao vào tình yêu cũng bị cứa máu ở con tim. Tình yêu của Meggie giành cho Cha Ralph không thể lớn mạnh bằng tình yêu (và cả tham vọng nữa) của ông với Đức Chúa Trời. Meggie đã cố gắng đấu tranh, giành giật lấy Cha Ralph từ tay Chúa. Cô là hình ảnh của nhiều phụ nữ: cam chịu nhưng không đầu hàng, im lặng nhưng không khuất phục mà luôn dấn thân, luôn luôn đấu tranh. Chính điều này đã làm nên một Meggie can trường, nhỏ bé nhưng luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Không, nó không phải là thánh, nó cũng gần gần như tất cả mọi người. Có điều không bao giờ nó than phiền, đó là một năng khiếu đặc biệt, - hay có lẽ là sự nguyền rủa, - cái tính kiên nhẫn chấp nhận hết thảy. Dù mất mát như thế nào, dù số phận giáng đòn đau như thế nào, nó tiếp nhận hết, chấp nhận tất cả những gì hiện có, gìn giữ trong bản thân mình và dùng cái đó nuôi dưỡng ngọn lửa rực cháy bên trong [tr.143] Cha Ralph đã từng hình dung về Meggie như vậy.
Con chim mẹ là Fiona cũng đã từng lao ngực vào bụi mận gai, nhưng không thể cất lên tiếng hát mà chỉ lịm đi, chết dần với cuộc sống thầm lặng, cam chịu đòn gánh của số phận. Để rồi cuối cùng nhận ra trong muộn màng, bà yêu chồng đến nhường nào Và Cha sẽ không bao giờ thấy nữa, tôi đã chấm dứt hẳn nước mắt. - Toàn thân bà run lên. - Cha có biết tôi sẽ nói gì với Cha không, thưa Cha Ralph? Chỉ mới hai ngày trước, tôi mới hiểu là tôi yêu Paddy biết nhường nào, nhưng khám phá đó, cũng như mọi cái trong đời tôi, đều đến quá muộn. Quá muộn đối với nhà tôi, và cả với tôi nữa. Giá như Cha biết điều đó đáng sợ nhường nào; tôi không còn được ôm nhà tôi nữa, không còn có thể nói với nhà tôi rằng tôi yêu ông ấy biết mấy! Cầu Chúa đừng bắt ai phải trải qua cảnh ngộ như thế! [tr.261]. Meggie không bao giờ như thế. Và ngày sau con chim con là Justine, cũng không đủ bản lĩnh để lao vào tình yêu, để giành lấy hạnh phúc cho mình. Một lần nữa, Meggie giúp cô nhận chân giá trị để chọn tình yêu thay vì về với mẹ, về lại Drogheda.
Cái gai mà Meggie bị đâm phải là cái gai số phận. Nàng yêu Cha Ralph và Cha Ralph cũng yêu nàng. Tình yêu được hoài thai bằng tình cảm trong sáng non nớt của đứa trẻ, rồi sự tôn sùng của em với Cha Ralph đã kịp chuyển thành niềm đam mê nồng nàn của cô thiếu nữ [tr.162] và lớn dần lên thành tình yêu chiếm hữu của người đàn bà. Lúc này chính là lúc nàng gặp thương tổn, bởi vì Cha hoàn toàn không cần Meggie trưởng thành, Cha cần một cô bé mà Cha có thể coi đó là một đứa trẻ thơ ngây được Cha yêu mến [tr.170]. Chỉ vì Cha là linh mục, bức tường thành ngăn cách hai người là Thiên Chúa giáo. Tình địch của Meggie không phải là Mary Carson hay bất cứ người phụ nữ xinh đẹp nào khác mà là Chúa. Cha Ralph đã chọn Chúa và chọn danh vọng: Ta yêu con, Meggie ạ, ta sẽ mãi mãi yêu con. Nhưng ta là linh mục, ta không thể... thực quả là ta không thể làm thế được! [tr.253]; Ta không bao giờ từ bỏ chức sắc của ta và vì bản thân con, ta nói thẳng và thành thật với con: ta không muốn từ bỏ chức sắc của ta, bởi vì ta yêu con không phải như tình yêu của chồng đối với vợ, con nên hiểu điều đó. Hãy quên ta đi Meggie. [tr.263]. Trong khi đó Meggie lại mơ ước ... thật hạnh phúc nếu được chung sống dưới một mái nhà với Cha và ngủ cạnh Cha như ba với mẹ [tr.223]. Đấy là một mơ ước hết sức bình thường của người phụ nữ như chim kia muôn đời muốn tìm tổ ấm. Em là một phụ nữ hết sức bình thường, em không háo danh, không thông minh lắm... và em chẳng thể cần gì nhiều lắm: chồng, con và ngôi nhà của mình [tr.366]. Nàng quyết định lấy Luke để thực hiện mơ ước ấy, nhưng không ngờ nó lại đẩy nàng đến bi kịch - Luke là một tay trâng tráo chỉ yêu tiền của nàng. Và Meggie cũng nhận ra quyết định lấy Luke chỉ là cách cố quên và trả thù Cha Ralph. Cô hận Cha Ralph và hận Chúa: Không, Chúa chẳng lành hiền chút nào (...) Chúa đã lấy mất Ralph của ta, có thế thôi (...) Tôi tuyệt nhiên không nên căm thù Ralph mà căn thù ngài mới phải. [tr.374]. Thiết tưởng, ở đây không dám đề cập đến vấn đề quan điểm của tác giả đối với tôn giáo hay là cách sống không mộ đạo của Meggie đối với Chúa, mà là cái phản ứng tự nhiên, cái tức giận tự nhiên của người phụ nữ khi bị người khác cướp mất người nàng yêu. Meggie vẫn còn yêu Cha Ralph và mãi yêu mình Cha Ralph mà thôi.
Con chim Meggie đã đi một đoạn dài trên con đường mà Cha Ralph đã vạch ra cho nàng, cuối cùng nàng đã đến đích cùng Cha. Họ có cơ hội gặp nhau, cả hai vỡ òa trong hạnh phúc. Có thể nói, tình yêu đã chiến thắng tất cả. Meggie mang thai và cho chào đời một đứa con trai tên Dane, nhưng nàng giấu không cho Cha Ralph biết. Nàng nhìn đứa bé như một thắng lợi của mình vì đã giành được từ trong tay Chúa một chút gì đó của Ralph[tr.467]. Meggie đã hát lên bài hát của tình yêu như con chim đang hát bài ca của mình. Nhưng có lẽ do hay quá, tiếng hát của Thorn Birds khiến họa mi và sơn ca ghen tị, tình yêu tuyệt vời quá khiến Chúa ghen ghét . Chị Anne đã cố xin Meggie nhớ điều này: Người cổ Hy Lạp cho rằng tình yêu cuồng dại là có tội với các thần. Thêm nữa, em nên nhớ, nếu người nào được yêu một cách điên cuồng thì các thần sẽ ghen và nhất định sẽ giết chết người được yêu giữa tuổi hoa niên... Yêu quá mức là một sự báng bổ [tr.399]. Và quả thực như thế, nó giống như lời nguyền ứng lên cuộc đời đau khổ của nàng. Dane - đứa con của tình yêu điên cuồng và quá mức ấy lớn lên, không biết có phải là do zen của Cha hay không, mà nhất quyết đòi đi tu làm linh mục. Meggie đau đớn nhận ra rằng không thể nào thắng được Chúa, Chúa là một người đàn ông! [tr.531]. Dane đi Roma học dưới sự bảo trợ của Đức Cha Ralph. Không ai ngờ, sau khi chịu chức linh mục, Dane chết đuối vì cứu hai cô gái tắm biển bị sóng cuốn. Sau đám tang của Dane, khi biết là con ruột của mình trái tim đã già của Cha Ralph không chịu đựng nổi đã ra đi trong vòng tay yêu thương và tha thứ của Meggie. Thế là hết.
Con chim đó sau khi phiêu lưu, sau khi đau đớn, sau khi ca hát, được chết đi nhẹ nhàng và thanh thản, được trở thành biểu tượng của say đắm, lãng mạn. Meggie lao vào tình yêu, đã có một cuộc đời giông bão của tình yêu, đã trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Nhưng nàng không bao giờ hối hận Chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai và ta cũng không hề tiếc nuối về một phút giây nào trong quá khứ [tr.666]. Meggie không chết mà sống với những vết cứa, vết xước trong tim yêu. Và mãi hát bài ca tình yêu hay nhất cho những người phụ nữ có những khát khao đam mê và yêu thương mãnh liệt. Tiếng hát ấy thức tỉnh con người nhìn nhận lại vấn đề sống - yêu. Số phận Meggie - số phận con chim Thorn Bird bi thương nhưng đẹp và cao cả.
2.2.2 Nhân vật Ralph de Bricassart
Có lẽ trong tâm tưởng của mọi người, màu áo chùng thâm của linh mục tự nó gợi lên cái gì ẩn khuất và... dễ chết. Nên khi nghĩ đến hiện thân loài chim Thorn Birds người ta lại có ấn tượng với nhân vật Cha Ralph.
Có một loài chim kia chẳng bao giờ cất tiếng hót. Đến lúc cuối đời, do một thôi thúc bẩm sinh, nó đi tìm và lao vào bụi mận gai nhiều gai nhọn nhất. Những chiếc gai đâm vào ngực nó làm túa máu. Và trong nỗi đau tận cùng đó, nó cất tiếng hót với những thanh âm quyến rũ tuyệt vời nhất, và đó là thanh âm cuối của đời. Có phải chăng, cũng giống như loài chim kia, con người chỉ có thể cảm nhận được những gì đẹp đẽ nhất sau khi trải qua những khắc nghiệt tận cùng của cuộc sống. Trước lúc chịu nỗi đau tự thân ấy là những tháng ngày bảng lảng khói sương. Sau cơn đau, cuộc sống thăng hoa với những cung bậc tuyệt diệu nhất dẫu chỉ là một trong những phút giây phù du cuối đời ngắn ngủi.
Nhưng có một con chim trong loài chim ấy, dẫu bao gai nhọn đâm nát mình, vẫn không thể cất tiếng hát mặc nhiên. Đó là Cha Ralph. Sau suốt cả một đời sống trăn trở, dằn vặt trong những mâu thuẫn ngang trái giữa một bên là tình yêu say đắm với người con gái sinh đẹp Meggie với một bên là lý tưởng phục vụ Thiên Chúa, và với một bên khác nữa là tham vọng quyền lực cá nhân. Đức Cha Ralph có một lúc nào đó đã tưởng rằng mình có tất cả, chỉ đến lúc cuối đời mới nhận ra rằng mình chẳng tìm được bài ca của mình khi chết cô đơn trong vòng tay Meggie.
Vậy thì nên chăng được hiểu Cha Ralph là hình ảnh của bụi mận gai - bụi mận gai với nhiều gai nhọn nhất, dài nhất - đâm người và đâm chính mình?
Cha Ralph là một linh mục, mà qua điểm nhìn của nhà văn cũng như hầu hết các nhân vật, là có quá nhiều ưu điểm. Một vẻ đẹp trai lịch lãm, vượt trội những chàng trai ở Drogheda Thân hình cao lớn, vóc dáng tuyệt mỹ, khuôn mặt quý phái thanh tú, toàn bộ ngoại hình của Cha là một sự hài hòa và hoàn mỹ tuyệt vời - không phải mọi tạo vật của Chúa đều được ban thưởng hậu như thế. Toàn bộ thân hình Cha, từ mái tóc xoăn lượn sóng và cặp mắt xanh kỳ diệu cho đến đôi bàn tay và bàn chân nhỏ nhắn thanh nhã đều thực sự là hoàn hảo [tr.68]. Không những thế, Cha còn rất thông minh và có tài ngoại giao, khoác lên mình một chiếc áo chùng thâm, Cha được sự yêu quý của tất cả mọi người, trong đó có bà Mary Carson và Meggie. Hai người đàn bà đó cùng chung một điểm là say đắm yêu Cha. Còn với Cha Ralph, đó là hai khác biệt đối lập: một bên đẹp nhất và một bên xấu nhất; một bên Cha yêu nhất và một bên Cha ghê tởm nhất. Khi bị gai mận của Cha đâm đau thì một bên đã hát vang bài ca hay nhất của đời mình, còn một bên đến cuối đời cũng không thể cất lên tiếng hát. Và một bên đi liền với tình yêu, một bên đi liền với tiền và quyền. Một bên khơi dậy trong Cha những đam mê tình yêu, một bên là cám dỗ danh vọng. Đúng, tình yêu và danh vọng hai thứ tồn song song không thể dung hòa - hai chiếc gai nhọn nơi bụi mận gai của Cha đâm đau Cha.
Không biết từ bao giờ bà Mary nhận ra Cha Ralph là người đàn ông lý tưởng mà cuộc đời bà mơ ước. Trở ngại lớn nhất của bà là thời gian. Bà thừa thông minh, tiền bạc và quyền thế, nhưng tất cả không mua được tuổi trẻ. Thật đau đớn Tuổi già là sự trả thù tàn bạo nhất mà Chúa trời hay thù hằn chút lên đầu chúng ta, sao ông ta không đồng thời làm cho tâm hồn ta già đi [tr.174]. Bà vẫn còn khát khao cháy bỏng. Bà yêu Cha, hay quyến rũ Cha chấp nhận trò xấu xa của quỷ Satan trong Kinh thánh Khi Satan quyến rũ Chúa là vì yêu Chúa hay hận Chúa? Tuy sắc bất tòng tâm nhưng bà là người thông minh, sắc sảo, hiểu rõ Cha Ralph như hiểu chính mình. Bà vẽ ra tham vọng rằng - Cha Ralph sẽ thừa kế tài sản của bà để phục vụ Chúa. Cũng đồng nghĩa là bà khiến cho chiếc gai mọc ra, dài và nhọn. Cha Ralph lao vào. Và sẽ không bị túa máu nếu không có sự xuất hiện của Meggie.
Nhưng bi kịch là Meggie xuất hiện. Ngay từ giây phút nhìn thấy hình hài bé nhỏ, mong manh ấy, bản năng đàn ông đã mách bảo cho Cha Ralph biết rằng, bên cạnh Thiên Chúa, đây sẽ là con người mà Cha yêu suốt quãng đời. Từ bỏ Meggie ư? Ai cũng biết con tim luôn có lý lẽ riêng của nó, Cha Ralph đã suốt đời dùng lý trí của một linh mục, một Đức Cha và một Hồng Y để từ chối, trốn chạy, và cũng để thấy rằng mình đã thất bại nặng nề. Càng cố quên thì hình ảnh Meggie càng rõ nét hơn, làm che phủ cả Chúa Trời Ta không hiểu vì sao con có uy lực như thế đối với trái tim không biết rung động của ta? [tr.119] Hình ảnh bông hồng cựa quậy trong cuốn Kinh Thánh làm trái tim Cha nhức nhối Bông hồng ấy hiện giờ tôi vẫn giữ bên mình, trong cuốn kinh lễ của tôi. Mỗi lần thấy một bông hồng màu sắc như thế, tôi lại nghĩ đến em. Tôi yêu em, Meggie. Em là bông hồng của tôi, hình ảnh con người tuyệt vời của em và ý nghĩ về em luôn luôn ở cùng tôi [tr.360]. Cha Ralph khuyên mẹ nàng quan tâm đến việc tìm cho nàng một người bạn đời khi mà thực ra trong thâm tâm lại khao khát, ước mơ được sở hữu nàng suốt đời. Dẫu đã chạy trốn, nhưng Cha Ralph vẫn thấy đau đớn như ai bóp nghẹt con tim mình khi nàng lấy chồng Tội nghiệp, Đức giám mục thơ thẩn ở đây như người bất đắc chí, như thể chờ mong em sắp từ một góc nào nhảy xổ ra [tr.335]. Và càng đau đớn hơn khi nàng bị ngược đãi bởi chính người chồng của nàng. Cha Ralph tìm về với nàng trong bàng hoàng thảng thốt: dẫu tất cả những gì Cha có thể nói là Meggie, I am so sorry.
Nhưng có một lần khi Đức Chúa Trời tạm ngủ quên, Cha Ralph vẫn trong nỗi dày vò và day dứt cố hữu, đã cho mình một lần nếm trái cấm bí hiểm của tình yêu bên bờ biển vắng lãng mạn gọi mời. Chỉ đôi ba ngày ngắn ngủi thôi rồi Cha Ralph trở lại với sự phụng sự Chúa Trời: thường trực, với niềm tham vọng bản năng, với hư danh miệt mài. Đôi ba ngày ngắn ngủi ấy đối với Meggie là thời gian đủ để nàng ăn cắp từ Đức Chúa Trời một bản sao bé bỏng của Ralph - niềm an ủi suốt tháng năm còn lại. Nhưng với Cha Ralph là cả một vỡ lẽ ghê gớm Bởi vì đến bây giờ rút cục ông mới hiểu rằng ông luôn luôn có khát vọng không chỉ là một con người, một người đàn ông, - ông mong muốn điều to tát hơn, mong muốn một số phận vĩ đại hơn nhiều so với số phận của người phàm trần [tr.390]. Ông mong ước mình trở thành thánh nhân, nhưng giờ ông hiểu con người vẫn cứ là con người [tr.390]. Càng cay đắng khi nhận ra Phải, ta đã chiến đấu dữ dội với em, Meggie của ta ạ! Thế nhưng cuối cùng không phải em bị đập vỡ tan tành để ta phải dán lại từng mảnh một, mà chính ta phải gắng thâu lượm những mảnh vỡ của chính mình. Em được đặt trên đường đi của ta để cho ta hiểu: sự kiêu hãnh của những đấng chăn chiên như ta là giả dối và trống rỗng biết chừng nào [tr.392]. Chính cái gai này của Cha mới đâm Cha đau nhất, chảy máu nhiều nhất. Đáng thương hơn, khi bụi mận gai đã nở ra một bông đẹp nhất rực rỡ suốt hai mươi năm mà chính nó không hay biết đến thì hoa rụng xuống. Lúc này trái tim đã già không còn đủ sức chịu đựng, Cha Ralph đã từ giã cõi đời.
Khép lại cuốn tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCullough, có thể độc giả sẽ đọng lại rất nhiều những tình cảm yêu - hận - thương - tiếc cho từng nhân vật. Tiếc cho sự ân hận muộn màng của bà Fiona vì đã chưa một lần nói tiếng yêu với chồng là Paddy Cleary. Thương cho Paddy Cleary cả đời chân chất lam lũ, vất vả, chăm lo cho hạnh phúc gia đình, nhưng kết cục chết trong đau đớn tột cùng và không được gặp mặt vợ con. Hận bà Mary Carson giàu có mà thâm hiểm. Bà yêu Cha Ralph và khi không được đáp tình thì bà cũng không cho ai được hưởng cái quyền ấy. Nhưng có lẽ điều để lại nơi người đọc sâu đậm nhất là nỗi day dứt, cảm thông cho bi kịch cuộc tình của Meggie và Cha Ralph. Meggie yêu Cha Ralph, nhưng Cha không chọn Meggie làm mục đích, làm lẽ sống. Cha đã chọn hướng đi với ít nhiều tham vọng riêng, để rồi kết cục trái tim già nua của ông không chịu nổi những hậu quả do chính mình gây nên. Gai nhọn đã đâm thâu nhưng tiếng hót cũng tắt lịm.
Meggie thì khác, nàng yêu và quyết tìm cho được hạnh phúc của mình, hạnh phúc theo ý mình muốn. Nàng không chấp nhận số phận. Yêu một linh mục là có tội ư? Trái tim cô mách bảo là không có tội. Cô yêu Cha, đó là quyền của cô - một quyền lợi chính đáng. Nếu không được sống như vợ chồng thì ít là được có con với Cha. Đó là ước mơ cháy bỏng đẩy cô đến hành động. Và cô đã thành công. Nhưng đang khi cô quyết định lao vào là cô đã chấp nhận trả giá. Bi kịch cuộc đời cô là một bi kịch để đời. Tiếng hót của cô là tiếng hót cả thiên đình cũng phải mỉm cười, đồng tình, thán phục.
Vậy thì, phải chăng trong tiểu thuyết của Colleen McCullough, mạch ngầm của truyện vẫn là triết lý muôn đời: Sống là phải chọn lựa và chấp nhận trả giá cho những chọn lựa của mình. Con chim bay đi tìm bụi mận gai, lao vào gai nhọn để chết và hót vang. Nó không biết việc mình làm. Nhưng con người biết. Có trăm ngả đường đời để ta chọn lựa, và không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nên chăng, ta sẽ chọn để hát bài ca của riêng mình và chấp nhận mọi hệ lụy của cuộc đời?
Đến đây, cũng cần phải nói thêm rằng, tác giả thật tài tình khi lồng ghép một truyền thuyết dân gian để diễn tả được bao điều muốn nói. Từ những chuyện rất bình thường của cuộc sống như tình - tiền - tài đến những vấn đề rất nhạy cảm như tôn giáo, vấn đề nữ quyền...
Ai dám nói thẳng đến vấn đề tình cảm giữa hàng giáo sĩ và giáo dân? Nó có thật! Bởi vì linh mục cũng chỉ là con người bình thường, cũng đầy ước muốn bản năng. Và tiền tài, danh vọng cũng vậy. Nó đeo bám con người linh mục như bất cứ ai. Ở đây, cái hay của tác phẩm là đã cho Cha Ralph trượt dài trên tội, để cuối cùng ông khiêm tốn nhận ra mình vẫn còn là con người. Đây có lẽ là nét đẹp, nét độc đáo nhất mà qua đó người đọc thấy gần gũi và cảm thông hơn đối với nhân vật này. Ở Cha Ralph, một con người lý tưởng, yêu hết mình, sống hết mình, dù thành công hay thất bại, cuối cùng ông đã sám hối và ra đi trong an bình.
Về vấn đề nữ quyền thì sao? Dường như tác giả vừa muốn qua nhân vật Meggie - đại diện cho những người nữ hiền nhưng không lành nói lên tiếng nói về quyền làm chủ số phận của mình, quyền yêu và được yêu, quyền bình đẳng. Tuy nhiên, phải chăng vấn đề nữ quyền trong tác phẩm này chỉ dừng lại ở mức gợi lên, khơi lên vậy thôi. Bởi nhân vật Meggie có thể gọi là nhân vật bi kịch - đầy bi kịch. Người đọc đồng tình cho cuộc tình của Meggie với Cha Ralph, bởi vì Meggie không khuất phục số phận. Chính nàng đã yêu Cha Ralph và quyết giành cho được tình yêu của mình, dù bao rào cản từ gia đình, từ luật đạo và từ chính tham vọng của Cha Ralph, người luôn cương quyết nói sẽ không phạm lời đã khấn hứa với Chúa... Meggie cứ lao vào, chấp nhận tất cả và làm nên khúc ca bi tráng cho đời mình. Đó là nghịch lý của cuộc đời, là khúc ca bi tráng, nhưng đó mới làm nên kỳ tích cho tác phẩm.
Nguyễn Thị Hoài Vang - Trần Thị Kim Nhung
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Colleen McCullough (1980) Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai, dịch giả Phạm Mạnh Hùng, Nxb Văn Học.
2. Colleen McCullough (1980) Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết, dịch giả Trung Dũng, Nxb Trẻ.
3. Tòa Tổng Giám Mục (1995) Kinh Thánh Tân Ước, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
4. http://www.nguyentrungtay.com/dolam.html
5. http://forum.sachhay.com/showthread.php?t=1919
6. http://sachvasach.blogspot.com/2011/02/tieng-chim-hot-trong-bui-man-gai.html
7. http://vi.wikipedia.org/wiki/Tiếng_chim_hót_trong_bụi_mận_gai
8. http://vietlion.com/ebk/download-ebook-tieng-chim-hot-trong-bui-man-gai.html