V. Shklovski cho rằng đặc trưng của nghệ thuật là sự “lạ hóa”. Theo ông, nghệ sĩ đã sáng tạo ra những cách diễn đạt mới lạ để làm cho từ ngữ được “phục sinh” dưới hình thức mới. Nhờ đó, mỗi lần tiếp cận tác phẩm văn chương, bạn đọc khám phá thêm một chân trời ngôn ngữ mới lạ. Ngày nay, thuật ngữ “lạ hóa” được mở rộng nghĩa. Người ta nghiên cứu những cách ngắt nhịp bất thường, lối vắt dòng đặc biệt trong thơ văn, các phương tiện và biện pháp tu từ như hài thanh, chơi chữ, đảo ngữ… Chúng ta cũng có thể thấy rõ thủ pháp này trong bài “Thời gian” của Văn Cao.

Theo hình thức cấu trúc thông thường, mỗi đoạn thơ có bốn câu và tổng số câu trong bài là số chẵn (4, 8, 16…). Nhưng bài “Thời gian” của Văn Cao không theo quy luật chung đó. Số câu trong mỗi đoạn không ổn định, đoạn đầu bốn câu và đoạn cuối ba câu. Số câu trong mỗi đoạn theo hướng giảm dần. Đó là cái lạ của bài thơ, xét về cấu trúc đoạn và văn bản.

Toàn bài thơ có 12 dòng nhưng không hẳn là 12 câu vì nó có những câu vắt qua nhiều dòng. Ví dụ: “Rơi / như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn” (Ba dòng nhưng chỉ có một câu). Hay “ Riêng những câu thơ / còn xanh” (Hai dòng nhưng chỉ một câu). Cũng có thể hiểu 12 dòng ấy chỉ có một câu vì toàn bộ bài thơ không có dấu chấm cuối câu. Đó là một cấu trúc mơ hồ khó hiểu.

Theo chuẩn ngữ pháp thông thường thì mỗi câu phải đảm bảo được đầy đủ hai thành phần nòng cốt của câu, đó là chủ ngữ và vị ngữ. Nhưng trong bài “Thời gian” của Văn Cao, phần lớn là câu đặc biệt hoặc không xác định được thành phần nòng cốt của câu. Có câu theo cấu trúc đặc biệt như: “ Rơi”. Có câu không xác định được thành phần nòng cốt: “Làm khô những chiếc lá”. Câu này có thể hiểu là chỉ có vị ngữ (cần thêm vào chủ ngữ: “cơn gió…”. Cũng có thể hiểu câu này chỉ có chủ ngữ (cần thêm vị ngữ : “đang xanh tươi”). Tuy nhiên có câu có đầy đủ cả chủ ngữ và vị ngữ nhưng vẫn mơ hồ. Chẳng hạn như câu: “ Thời gian qua kẽ tay”. Đối với Văn Cao thời gian không vô hình mà là một khối vật chất có thể cân đo đong đếm, có thể cầm được trên tay. Đó là hình tượng ẩn dụ có tính khái quát cao, hé mở một góc nhìn về thời gian vào cuộc sống nghiệt ngã của đời người mà ai cũng phải trải qua, đấy là quy luật của sinh và tử.

Nhịp điệu của câu thơ cũng lạ thường và rất linh hoạt. Chẳng hạn như : “Rơi / như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn.” Có thể ngắt nhịp cho câu này là 2/2/4. Nhưng tác giả lại ngắt câu này thành ba dòng đưa “tiếng sỏi và trong lòng giếng cạn” xuống hàng thành từng dòng riêng nhấn mạnh tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề, đó là tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi. Câu “Rơi” chỉ có một âm tiết, đứng thành một dòng riêng để nhấn mạnh ý, tạo ra một nhạc điệu đặc biệt. Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần và bị chia cắt bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chìm khuất chưa được giãi bày. 

Ngoài ra Văn Cao còn dùng thủ pháp “lạ hóa” từ ngữ, cú pháp. Cấu trúc của thơ không chỉ thể hiện ở bề mặt văn bản mà còn thể hiện ở tầng sâu ngữ nghĩa của nó. Bài thơ “Thời gian” cũng vậy, điều tác giả muốn nói đều nằm ở bên ngoài con chữ, phía sau những hình ảnh do con chữ tạo ra. Để thấy được cấu trúc phức tạp của bài thơ, ta hãy xem đoạn đầu của bài thơ. Bốn câu thơ đầu nói lên sức mạnh tàn phá của thời gian. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng lại được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta: Thời gian qua kẽ tay / Làm khô những chiếc lá / Kỷ niệm trong tôi / Rơi / Như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn. Thời gian trôi chảy từ từ, nhẹ, im, tưởng như yếu ớt, thời gian cứ từ từ trôi  “qua kẽ tay”  và âm thầm “làm khô những chiếc lá”. “Chiếc lá” vừa có nghĩa thực, cụ thể vừa có nghĩa bóng, ẩn dụ. Nó vừa là chiếc lá trên cây, mới hôm này còn xanh tươi sự sống thế mà chỉ một thời gian lọt “qua kẽ tay”, là lá đã chết. Nó vừa là những chiếc lá cuộc đời trên cái cây cuộc sống mà khi thời gian trôi đi, sự sống cứ rụng dần như những chiếc lá. Chiếc lá hay chính là những mảnh đời đang trôi đi theo nhịp thời gian ? Những chiếc lá khô, những cuộc đời ngắn ngủi và những kỉ niệm của đời người cũng sẽ bị rơi vào quên lãng (hòn sỏi rơi vào lòng giếng cạn đầy bùn cát thì chẳng có tiếng vang gì cả). Như thế cuộc đời và những kỉ niệm đều nhạt dần và tàn phai theo thời gian. Những kỉ niệm trong đời thì “Rơi / như tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn”. Thật nghiệt ngã. Đó là quy luật băng hoại của thời gian.

Cuộc sống của mỗi người có hạn, sự sống luôn tiếp diễn. Ý nghĩa của cuộc sống ở đâu, người đi trước tồn tại ở người đi sau cái gì? Đó là điều trăn trở muôn thuở của nhân loại. Văn Cao gói gọn quan niệm của mình qua 3 câu thơ cuối của bài “ thời gian”.

Thế nhưng trong cuộc sống vẫn có những điều tồn tại mãnh liệt với thời gian, đó là:

Riêng những câu thơ

                                    còn xanh

Riêng những bài hát

                                   còn xanh

Vấn đề ở đây là ai cũng nhận ra quy luật ấy nhưng không phải ai cũng có thể làm cho mình bất tử cùng thời gian. Vậy mà cũng có những giá trị mang sức sống mãnh liệt chọi lại với thời gian, bất tử cùng thời gian. Đó là sức mạnh vượt thời gian của thi ca và âm nhạc (hiểu rộng ra là nghệ thuật). Dĩ nhiên là “những câu thơ”,“những bài hát”, những tác phẩm nghệ thuật đích thực, đó là những hình ảnh ẩn dụ gợi lên những sáng tạo nghệ thuật làm giàu đẹp cho tâm hồn con người, đồng thời khẳng định sự bất tử của nghệ thuật. Tại sao tác giả lại dùng từ “xanh” để lặp lại mà không dùng từ khác chẳng hạn như: đỏ, hồng,…Bởi lẽ “xanh” là sự xanh tươi, luôn mới mẻ và sẽ trường tồn với thời gian. Biện pháp điệp ngữ “xanh” được láy lại như “chọi” lại với chữ “khô” trong câu thứ nhất nhầm nhấn mạnh thái độ thách thức chống lại tác động của thời gian và nói lên sự tồn tại mãi mãi với thời gian. Đó là nghệ thuật khi đã đạt đến độ kết tinh xuất sắc sẽ tươi xanh mãi mãi, bất chấp thời gian.

Bài thơ khép lại bằng câu thơ đầy xúc động:

Và đôi mắt em

                              như hai giếng nước.

Câu kết thật bất ngờ thể hiện vẻ đẹp, ý nghĩa và sức sống của những kỉ niệm tình yêu: Đôi mắt em mang nghĩa ẩn dụ cho những kỉ niệm đẹp của tình yêu được so sánh với hai giếng nước, gợi vẻ đẹp, chiều sâu, sự trong mátngọt lành. Tác giả thật tinh tế khi so sánh đôi mắt như hai giếng nước, điều đó đã gợi lên được sự trong trẻo, trong sáng và sẽ luôn đồng hành cùng với thời gian. Những kỉ niệm đẹp đẽ ấy sẽ còn đọng lại mãi trong tâm hồn và bất chấp thời gian.

Bút pháp “lạ hóa” được sử dụng nhiều trong thơ ca, nó không chỉ lạ hóa ở hình ảnh mà còn ở ngôn ngữ. Cấu trúc của ngôn ngữ thơ đa phần rất khác biệt so với lời nói thông thường. Bài thơ “Thời gian” của Văn Cao gợi cho ta các thủ thuật làm thơ và đọc thơ. Văn Cao đã dùng các hình thức ngôn từ mang nhiều tầng nghĩa tượng trưng kết hợp với rất nhiều biện pháp tu từ và đặc biệt là cách ngắt dòng, ngắt nhịp sáng tạo mới lạ để nêu lên vấn đề về thời gian trong cuộc sống của con người. Thời gian trôi qua rất nhanh và không bao giờ dừng lại, thời gian từ từ lặng lẽ tàn phá dần từng phần cuộc đời của con người. Chỉ có văn học nghệ thuật và những kỉ niệm đẹp về tình yêu là có sức sống lâu dài và không bị thời gian hủy hoại. Và chính cách dùng từ ngữ thể hiện tầng sâu ngữ nghĩa đã làm cho người đọc tham gia khám phá, giả mã và cảm thấy hứng thú. Qua đó người đọc nhận ra rằng, cần phải có niềm tin tưởng và thái độ trân trọng văn học nghệ thuật và tình yêu đôi lứa.

NGUYỄN THỊ QUỲNH NHƯ

(Email: lenhut04@gmail.com)

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2008
  2. Phạm Ngọc Hiền, Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ Thi pháp học, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018
  3. Phạm Ngọc Hiền, Thi pháp học, NXB Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh, 2019
  4. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga, NXB ĐHQG TP.HCM, 2007