Năm mười tám tuổi, cô lấy anh. Ở cái miền quê nghèo khó này và với tuổi đó nó chẳng phải là vấn đề, thậm chí nhiều người nghĩ con gái mau lấy chồng để có chốn tựa nương rồi có khó khăn gì thì vợ chồng rau cháo nuôi nhau. Dẫu từ hồi còn bé cô luôn đấu tranh khi thấy các dì lấy chồng sớm và tư tưởng thành phố tiến bộ ăn sâu vào cô qua những trang sách thì sự thực là cô vẫn không thể thoát khỏi được chốn quê cổ hủ này. Cô quen anh qua một cuộc mai mối và ưng thuận sau hai lần gặp mặt. Anh cũng hiền lành lại chất phác, thương cô hết mực, thêm việc mẹ cô bệnh nặng và nguyện ước duy nhất là có cháu bế bồng…

Từ nhỏ cô đã ước mơ trở thành một nàng văn sĩ, cái ước mơ mà thuở bé thì bị lũ bạn cùng chăn trâu cợt nhả rồi lớn lên thì bị cha mẹ cho là “ thiếu thực tế”. Cô lấy anh rồi sinh con khi bước qua tuổi hai mươi. Chẳng hiểu sao khi ở cái tuổi ấy rồi thấy mấy đứa nhỏ trong xóm đua nhau đi học đại học cô lại đâm buồn, buồn sinh ra khó ngủ, khó ngủ rồi lại trở tính, đứa con nhỏ oe oe khóc cũng chẳng màng. Cực xấu tính. Anh thương vợ, lại hiểu cho nỗi lòng vợ, anh quyết định xin phép bố mẹ cho vợ chồng anh lên phố, lí do anh đưa ra là để kiếm kế sinh nhai chứ kì thực quê mình nghèo quá không đủ lo cho cuộc sống. Hai vợ chồng cũng trầy trật thuê được một căn phòng nhỏ nằm lọt thỏm trong một khe hẻm và như chìm hẳn trong phố thị mênh mông. Anh nhanh chóng xin được một công việc phụ hồ nơi đất khách nhờ sức vóc lực lưỡng và tính tình dễ gần, cả ngày quần quật với công việc, đến tối anh lại nhờ bác chủ nhà xin cho chạy vặt ở quán bác nhậu bác mở đầu hẻm. Khi bắt đầu ổn định dần công việc, anh bàn với cô:

- Anh thấy việc của anh vào guồng quay rồi, giờ đến em. Anh biết em thích học văn, anh nghe được các trường chuẩn bị tuyển sinh, hay em ghi danh…
- Chồng con đuề huề ra đấy, sao ghi được nữa mà ghi.
- Mọi thứ không bao giờ là quá muộn mà em. Cạnh phòng mình có chị trông trẻ, chị ấy giữ con miễn phí cho mình, do sẵn chỉ cũng lo con chỉ. Anh đi làm cũng gần, thi thoảng tạt qua con, em cứ yên tâm đi học.

Nghe chồng nài quá, cô cũng ưng. Mà kì thực đó là ước mơ của cô lâu rồi, cô vẫn còn quá trẻ khi chỉ mới đôi mươi mà đã bước vào cuộc sống của một gia đình bề bộn với chồng con. Ước mơ một thời không chỉ dẹp qua một bên mà ngay cả ở cái tuổi đời còn quá trẻ này, cô cũng thấy mình như đã sa vào một bước chân lở dở. Và cứ thế, cô thi vào một trường viết văn và bắt đầu những ngày tháng đi học đại học của mình, tất cả mới mẻ với một cô sinh viên cứ như lần đầu tiên bước chân vào đời. Mỗi ngày khi đi học về, cô lại say sưa kể cho anh nghe về cuộc sống học đường như thế nào, anh một tay chăm con, một tay vừa lau vội mồ hôi và nở nụ cười thật tươi nhìn vợ. Anh quá cục mịch để hiểu những điều cô nói và ít kiến thức khi nghe những khám phá cô trình bày, nhưng anh biết lắng nghe. Và cứ thế, anh ngày ngày đi làm để nuôi vợ đi học.

Bốn năm cứ thế đằng đẵng trôi qua, nhờ thành tích học tập ưu tú, cô nhanh chóng được nhận một chân học việc trong một nhà xuất bản. Lần đầu tiên cô bắt đầu thực sự kiếm sống để góp phần vào nuôi cả gia đình cùng anh. Con hai người cũng bắt đầu vào mẫu giáo và cô cũng bắt đầu có những chuyến công tác xa nhà đầu tiên. Ban đầu, cô chỉ đi một hai ngày với lí do đi kí hợp đồng với các tác giả, sau dần khi anh được hiểu nôm na là cô dần thăng chức thì cô bắt đầu đi có khi vài ngày liền, có khi cả tuần vì có những bản hợp đồng khó khăn hơn, đó là cô nghe anh nói thế. Đôi khi thấy con nhớ mẹ quá, anh có gọi cho cô thì chỉ nhận được những tiếng gọi tút tút dài và sau đó là những lời trách mắng:

- Anh có biết anh đã phá một cuộc họp quan trọng của em không? Đang họp mà anh cứ gọi liên tục.

Anh không biết nhưng những từ ngữ như “họp”, “ quan trọng” là anh thấy có gì đó nghiêm trọng lắm và cứ thế anh rút kinh nghiệm dần, anh không muốn làm phiền đến công việc của cô, mọi thứ anh tự bươn chải một mình. Cuộc sống của hai người cũng dần dần rơi vào trái ngược nhau, cô mỗi ngày đi làm với sực nức nước hoa, nhân viên văn phòng nghe qua thấy rất tân tiến, anh vẫn chỉ là một anh phụ hồ, một anh chạy quán lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.

Những năm đầu xa quê, khi Tết đến hai vợ chồng cũng tranh thủ đưa con về lại thăm nhà. Khi ấy cô còn đi học nhưng hè cũng được nghỉ nên hai vợ chồng rảnh thì hè cũng về ít hôm, cũng vẫn làm tròn đạo hiếu. Đến khi bắt đầu đi làm, được năm đầu tiên cô về, những năm sau cô khất dần, cô bảo công việc Tết bận rộn, cô lại còn phải trực Tết. Anh hiểu công việc quan trọng với cô như thế nào nên có những năm Tết chỉ mình anh bế con về quê. Khi nghe bố mẹ rầy la:

- Mi coi lại con Huyền, làm dâu mà thế là không thảo hiếu lắm đâu. Mà mất mặt đâu quanh năm suốt tháng, không về được mà đến một cuộc gọi chúc Tết cũng không có.

Anh chỉ đánh trống lảng cho qua chuyện, nhưng những bữa cơm sum họp cũng dần xa dần kể cả khi anh từ quê lên lại phố. Căn nhà trọ hiu quạnh dường như không hề có không khí Tết, đó dường như chỉ là một “nơi để ở” của cô cho cô tiện việc đi làm. Những mâu thuẫn cứ lớn dần khi cuộc sống hai người dần trái ngược với những ngả rẽ cuộc sống, và bận Tết năm ấy, khi anh nhất quyết cô hãy gạt công việc qua một bên để về quê, hai người đã cãi nhau to. Mẹ cô hổm rày cũng ốm, anh một phần muốn về chúc Tết, một phần muốn ghé thăm mẹ, nhưng cô lại lấy lí do bận làm mà không về được và anh đã giận quá đánh cô một cái. Sau lần ấy, cô xếp đồ bỏ đi. Những tưởng cô chỉ giận ít hôm nhưng cô lại đi thật, anh cố liên lạc nhưng không thể, tìm đủ mọi cách để tìm cô cũng không được.

Từ bận ấy Tết anh không về quê nữa, đi đâu anh cũng cẩn thận để lại ở khe giấy trước cửa số điện thoại và giờ mình sẽ về. Anh cũng tự gà trống nuôi con sắp xếp cho bé học mẫu giáo rồi lên lớp một, bé lớn lên chỉ với anh. Nhiều khi Tết về khu trọ trống chỉ còn mình anh, nhiều người tạm biệt anh đã về quê và cả chủ trọ cũng hỏi anh sao không về Tết anh chỉ lắc đầu cười. Chỉ nghe họ kháo nhau:

- Tội cái thằng, nó sợ vợ nó về lúc nó không có ở đây.

Anh đôi khi nghe nhưng cũng chỉ im lặng. Vợ chồng đến với nhau trước là tình sau là Nghĩa. Nhưng rồi thời gian cứ thế trôi qua đến hơn năm năm, lớp người trọ cũ cũng dần thay bằng những người thuê mới. và lâu dần anh ở đây cũng chỉ vì thói quen chứ không còn vì mục đích khi xưa nữa, đã quá lâu để đợi một người trở về. Lúc bấy giờ đột nhiên anh nhận được một tin nhắn từ một số lạ :” Anh…có còn dùng số này không? Anh có còn đợi em không?”. Dường như anh hiểu rõ là ai, nhưng anh cũng tự hỏi lòng liệu anh có còn như xưa không chẳng rõ. Đột nhiên nhiều cảm xúc dấy lên trong anh, nhìn đứa con thơ, nhìn không khí Tết đang tràn về. Cái sắc xuân như đâm chồi nảy nở một chồi non trong anh khiến anh linh cảm năm nay mình sẽ được ăn Tết ở quê. Anh thở phào một tiếng nhẹ nhõm như trút bỏ một gánh nặng. Sẽ có rất  nhiều chuyện để kể, để nói nhưng miễn là cô khi thấy mệt mỏi hoặc cần một chỗ dựa, thì anh sẽ luôn ở đó. Không do dự hồi lâu anh vội nhắn lại :” Mình à, cứ về đi, anh đợi.”